Iran cảnh báo sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân nếu sự tồn vong bị đe dọa

Iran sẽ phải thay đổi học thuyết hạt nhân nếu sự tồn tại của nước này bị Israel đe dọa. Đây là cảnh báo từ cố vấn của Lãnh đạo tối cao Iran, Sayyid Kamal Kharrazi, làm dấy lên những lo ngại mới về vũ khí hạt nhân của Iran.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên Iran làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran 420 km về phía Nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo mạng tin SNN ngày 9/5, ông Kharrazi tuyên bố: “Chúng ta không có quyết định chế tạo bom hạt nhân, nhưng nếu sự tồn tại của Iran bị đe dọa, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi học thuyết quân sự”. Ông Kharrazi cũng nói thêm rằng Iran đã cho thấy nước này có tiềm năng chế tạo những loại vũ khí như vậy.

Theo ông Kharrazi, trong trường hợp Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, khả năng răn đe của Iran sẽ thay đổi.

Theo tờ The Times of Israel, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã cấm phát triển vũ khí hạt nhân vào đầu những năm 2000. Vào năm 2019, ông nhắc lại lập trường: “Chế tạo và tàng trữ bom hạt nhân là sai và sử dụng bom hạt nhân bị cấm về mặt tôn giáo… Mặc dù chúng ta có công nghệ hạt nhân, nhưng Iran đã kiên quyết tránh được điều đó”.

Tuy nhiên, vào năm 2021, Bộ trưởng Tình báo Iran lúc bấy giờ cho biết rằng áp lực của phương Tây có thể thúc đẩy Iran tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Iran đã làm rõ rằng lệnh cấm phát triển vũ khí hạt nhân vẫn được áp dụng, mặc dù một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo rằng nước này có thể thay đổi chính sách hạt nhân nếu bị áp lực do các mối đe dọa từ Israel.

Sau khi căng thẳng với Israel gia tăng, chỉ huy IRGC phụ trách an ninh hạt nhân Ahmad Haghtalab nói rằng các mối đe dọa của Israel có thể thúc đẩy Iran xem xét lại học thuyết hạt nhân.

Vào tháng 4, quan hệ Iran và Israel đã trở nên căng thẳng đỉnh điểm khi Iran trực tiếp phóng khoảng 300 tên lửa và thiết bị bay không người lái nhằm vào Israel. Mục đích là để trả đũa vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công mà họ cáo buộc Israel là thủ phạm.

Israel, với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh, gần như đã chặn hoàn toàn cuộc tấn công của Iran.

Đáp lại, Israel đã tấn công một căn cứ không quân gần Isfahan ở miền Trung Iran, làm hư hỏng hệ thống phòng thủ radar. Iran coi cuộc tấn công này là không nghiêm trọng, từ đó làm giảm bớt lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực.

Theo The New York Times, hệ thống radar nói trên làm nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạt nhân bí mật Natanz gần đó. Iran báo cáo không có thiệt hại nào đối với các địa điểm hạt nhân.

Cảnh báo mới nhất của ông Kharrazi được đưa ra khi Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi chỉ trích Iran không hợp tác trong các cuộc thanh tra hạt nhân và các vấn đề nổi bật khác.

Iran đã ngừng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp dụng lại các lệnh trừng phạt sâu rộng.

Căng thẳng giữa Iran và IAEA đã liên tục bùng phát kể từ khi thỏa thuận hạt nhân trên sụp đổ. Những nỗ lực do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian cho đến nay vẫn không thể khiến Mỹ thay đổi lập trường và khiến Iran tuân thủ lại thỏa thuận hạt nhân.

Trong một báo cáo vào tháng 3, IAEA cho biết kho dự trữ urani đã làm giàu ước tính của Iran đã đạt gấp 27 lần giới hạn quy định trong hiệp định năm 2015.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Động lực để Triều Tiên xích lại gần Iran
Động lực để Triều Tiên xích lại gần Iran

Triều Tiên đang xây dựng mối quan hệ mới với các quốc gia có cùng chí hướng. Gần đây, dường như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đặc biệt quan tâm đến Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN