Động lực để Triều Tiên xích lại gần Iran

Triều Tiên đang xây dựng mối quan hệ mới với các quốc gia có cùng chí hướng. Gần đây, dường như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đặc biệt quan tâm đến Iran.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ảnh: The Wall Street Journal

Giáo sư Kim Sung Kyung tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở ở Seoul cho biết: “Triều Tiên có lẽ coi đây là cơ hội tốt để bán vũ khí và công nghệ quân sự cho Tehran để đổi lại một số lợi ích kinh tế. Cả hai nước đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt”.

Vào cuối tháng 4, Triều Tiên đã cử một đoàn chuyên gia cấp cao kinh tế và thương mại đến thăm Tehran trong 9 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ năm 2019.

Iran bác bỏ nghi vấn của truyền thông phương Tây rằng các đại biểu Triều Tiên đã thảo luận về hợp tác công nghệ hạt nhân khi đến thăm nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani chỉ trích truyền thông nước ngoài vì những suy đoán định kiến khi đăng tải tin tức sai sự thật và vô căn cứ.

Ngày hôm sau, truyền thông Triều Tiên lên án vòng trừng phạt mới Mỹ áp đặt với Iran là "không công bằng". Vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào khả năng sản xuất và sử dụng máy bay không người lái của Iran.

Giáo sư quan hệ quốc tế Daniel Pinkston tại Đại học Troy (Seoul) nhận định Tehran và Bình Nhưỡng có mối quan hệ lâu đời và mặc dù rất khác nhau, nhưng hai nước có một số điểm tương đồng. Theo ông Pinkston, cả hai đều có chung bất bình sâu sắc đối với Mỹ và phương Tây nói chung.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho trong chuyến thăm Iran. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên và Iran đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ dù phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình vũ khí.

Ông Pinkston nhận định, Bình Nhưỡng và Tehran có thể sẽ hỗ trợ chính trị và ngoại giao nhiều hơn cho nhau, ví dụ như việc Triều Tiên ủng hộ Iran trước Israel và Mỹ. Ông Pinkston bổ sung rằng công nghệ thiết bị bay không người lái gần như chắc chắn sẽ thu hút được quan tâm lớn của cả hai bên.

Ngoài ra, Yonhap dẫn nhận định của nhiều chuyên gia đánh giá rằng Triều Tiên có thể hỗ trợ Iran trong công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn, ví dụ như tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn siêu vượt âm.

Trong một diễn biến khác, sau chuyến thăm Tehran, Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho đã tiết lộ về ý định hợp tác với nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Iran là Saipa. Ông Yun Jong-ho nói: "Triều Tiên sẵn sàng hợp tác với tập đoàn ô tô Saipa. Với quan hệ chính trị song phương thuận lợi, hai quốc gia có thể hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô".

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW, Yonhap)
Triều Tiên lần đầu đón du học sinh sau nhiều năm
Triều Tiên lần đầu đón du học sinh sau nhiều năm

Triều Tiên đã chấp thuận cho 80 sinh viên Trung Quốc nhập cảnh để học tập tại nước này. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Triều Tiên nhận sinh viên nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN