Trong thông báo, Giám đốc khu vực Đông và Bắc Phi của IOM, ông Othman Belbeisi cho biết nạn đói và lũ lụt đang làm tăng thêm những thách thức mà hàng triệu người dân ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này phải đối mặt, dẫn tới nguy cơ về cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất thế giới. Ông Belbeisi nhấn mạnh: “Những nguy cơ này vẫn sẽ xảy ra và trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột và hạn chế tiếp cận nhân đạo vẫn tiếp diễn. Nếu không có phản ứng toàn cầu ngay lập tức, rộng khắp và phối hợp, chúng ta có nguy cơ chứng kiến hàng chục nghìn ca tử vong có thể phòng ngừa được trong những tháng tới. Chúng ta đang ở điểm bùng phát một thảm họa thảm khốc”.
IOM cũng cho biết số liệu mới cho thấy hơn 10,7 triệu người phải di dời trong nước ở Sudan, nhiều người đã phải di dời nhiều lần. Trong khi đó, 2,3 triệu người đã di cư sang các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng lũ lụt đã khiến hơn 20.000 người phải di dời trong những tháng qua, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị cuốn trôi, làm gián đoạn việc cung cấp các nguồn cung cấp thiết yếu. Nhìn chung, hơn 45.000 người đã phải di dời trong hai tuần qua, trong đó hơn 38.000 người chạy trốn qua biên giới.
Cuối cùng, IOM nhận định rằng điều kiện nhân đạo và bảo vệ ở Sudan là "một trong những điều kiện tồi tệ nhất trên thế giới". Thông báo nêu rõ: “Những hạn chế về khả năng tiếp cận nhân đạo, bao gồm cả những trở ngại do các bên trong cuộc xung đột áp đặt, đã hạn chế nghiêm trọng khả năng mở rộng quy mô và cứu sống của các tổ chức cứu trợ, đặc biệt là trong mùa mưa hiện nay. Cần có nguồn tài trợ khẩn cấp cho những người vẫn đang rất cần thực phẩm, nơi trú ẩn, nước, dịch vụ y tế và sự bảo vệ chuyên biệt".
Thông báo trên của IOM được đưa ra không lâu sau khi cuộc tham vấn giữa phái đoàn Sudan và Mỹ về việc tham gia hòa đàm tại Geneva đã kết thúc mà không đạt kết quả. Cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 10/8 tại Saudi Arabia, thảo luận về các điều kiện để Chính phủ Sudan tham gia đàm phán theo lời mời của Mỹ dành cho các bên tham chiến ở Sudan. Bộ Ngoại giao Sudan khẳng định cần có thêm thời gian thảo luận về việc đàm phán.
Xung đột tại Sudan bùng phát từ tháng 4/2023 khi giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự bùng phát ở thủ đô Khartoum và nhanh chóng lan rộng về phía Tây ra khắp Darfur. Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân Sudan phải đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo.