Ban đầu, chương trình này sẽ ưu tiên nhóm người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương được bảo hiểm y tế BPJS chi trả. Tiếp đó, các đối tượng còn lại có nhu cầu sẽ được tiếp cận chương trình bằng cách chi trả chi phí.
Phát biểu khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng trẻ em tại tỉnh Tây Jakarta, ông Airlangga nêu rõ chương trình tiêm tăng cường sử dụng vaccine cùng loại hoặc khác loại với vaccine được sử dụng trong lần một và lần hai. Theo ông Airlangga - người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Điều phối kinh tế, việc sử dụng vaccine nói trên đã được Ủy ban Tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia (ITAGI) khuyến nghị trước đó.
Dự kiến, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) sẽ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho các loại vaccine tiêm tăng cường vào đầu năm tới. Danh sách này gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Sinovac và Sinopharm.
Với các nỗ lực tiêm chủng vaccine liều thứ nhất và thứ hai cùng với việc tiến hành tiêm nhắc lại liều thứ ba, Bộ trưởng Airlangga hy vọng rằng người dân Indonesia có thể ngay có được khả năng miễn dịch với COVID-19.
Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1/2021 với mục tiêu cung cấp vaccine cho hơn 208 triệu dân. Tính đến ngày 30/12, hơn 160 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi thứ nhất, trong khi 113 triệu người người được tiêm đầy đủ hai mũi.