Theo ông Atmaji, Chính phủ Indonesia đã thảo luận rất kỹ về kịch bản trên và quyết định sẽ bắt đầu áp dụng đối với khối cơ quan dân sự nhà nước (ASN). Đối tượng chính sẽ là giới công chức (PNS) và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước (BUMN).
Ông Atmaji nhấn mạnh "trong khi thế giới chưa tìm ra vaccine phòng bệnh COVID-19, mọi người vẫn luôn phải đề cao cảnh giác, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà các hoạt động kinh tế, xã hội bị đình trệ lâu dài. Chính phủ và người dân Indonesia cần phải có biện pháp hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh, nhưng vẫn phải đảm bảo mọi hoạt động cần thiết”.
Ông Atmaji nhấn mạnh có 3 điểm cần chú ý trong kịch bản “bình thường mới”. Thứ nhất, sắp xếp công việc linh hoạt hơn để ASN có thể làm việc tại văn phòng, nhà riêng hay bất kỳ địa điểm thích hợp nào khác. Thứ hai, thực hiện các quy định y tế, chẳng hạn giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm virus trong khi làm việc. Liên quan việc này, Chính phủ Indonesia sẽ ban hành các văn bản quy định kèm theo về sử dụng cơ sở vật chất, không gian làm việc và điều kiện làm việc. Thứ ba, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sự quản lý của chính phủ, theo đó mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin phải thông qua văn phòng điện tử, chữ ký số và các cuộc họp trực tuyến do chính phủ kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Cải cách Hành chính Indonesia cho biết thêm thời gian bắt đầu áp dụng kịch bản phụ thuộc vào quyết định thành lập "Lực lượng đặc nhiệm" phòng chống COVID-19 của quốc gia.