Số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua tại Indonesia tăng cao là do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đông Java tăng đột biến, với 502 ca nhiễm mới trong ngày, vượt số ca mắc ở Jakarta - tâm dịch của nước này.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, các cơ quan an ninh của Thái Lan đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.
Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Somsak Rungsita cho biết, cuộc họp của ủy ban về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng, chống COVID-19, do ông làm chủ tịch, đã nhất trí về sự cần thiết gia hạn Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, sau khi hết hạn vào ngày 31/5.
Theo ông, mặc dù Thái Lan đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, song vẫn cần thêm biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa toàn quốc. Ông Somsak cảnh báo nếu xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2, thì thiệt hại sẽ khốc liệt hơn.
Kiến nghị trên sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xem xét. Nếu CCSA đồng ý thì đề xuất này sẽ được trình lên cuộc họp Nội các vào tuần tới để ra quyết định.
Bộ Y tế Thái Lan ngày 21/5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, song không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.037 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 21/5, Lào đã cho phép nối lại vận tải nội địa, song yêu cầu thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt, và sắp xếp chỗ ngồi nhằm đảm bảo các hành khách ngồi cách nhau ít nhất 1 mét. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cung cấp, xà phòng, nước rửa tay khô cho khách hàng.
Tính đến nay, Lào đã xét nghiệm tổng cộng 4.812 ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 người đã khỏi bệnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội ngành giáo dục Campuchia (FESC) Pech Bolen khuyến cáo chính phủ nước này cần mở rộng phạm vi gói hỗ trợ đối phó dịch COVID-19 sang khu vực giáo dục tư nhân. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi các báo cáo cho thấy lương của giáo viên và những người làm việc trong các trường tư bị cắt giảm mạnh.
Theo ông, việc chính phủ mở rộng phạm vi gói hỗ trợ sẽ cho phép khu vực giáo dục tư nhân duy trì hoạt động, lao động có việc làm cho đến khi các lớp học được mở lại. Hiện các trường tư thục ở Campuchia vẫn đang dạy học trực tuyến có thu song doanh thu giảm khoảng 50%. Nhiều trường tư phải giảm nhân lực và giảm lương giáo viên để đủ nguồn tài chính thuê mặt bằng và nâng cấp hạ tầng công nghệ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến.
Từ hơn một tháng trở lại đây, Campuchia không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19 và 122/122 bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã hồi phục và xuất viện. Tuy nhiên, Campuchia chưa quyết định mở cửa trường học trở lại.