Quyết định trên được đưa ra sau khi làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử tại đây biến thành bạo loạn.
Từ tối 21/8, Bộ Truyền thông Indonesia đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet và dữ liệu viễn thông nhằm ngăn chặn người dân tại Papua truy cập mạng xã hội. Tuy nhiên, các dịch vụ như điện thoại và nhắn tin qua di động vẫn hoạt động.
Theo người phát ngôn của bộ này, Ferdinandus Setu, đây là biện pháp để ngăn chặn việc phát tán thông tin mang tính khiêu khích, vốn có thể kích động hận thù chủng tộc. Quan chức này cho biết lệnh cấm có thể được gỡ bỏ khi tình hình trở lại bình thường.
Trong ngày 22/8, Bộ trưởng An ninh Indonesia, cảnh sát trưởng cũng như Tông tư lệnh quân đội đã tới thành phố cảng Sorong, tỉnh Papua nhằm thị sát tình hình. Tại đây, cũng không có thông tin về các vụ biểu tình mới.
Làn sóng biểu tình lan rộng tại tỉnh Papua, sau khi hàng nghìn người dân, trong đó chủ yếu là sinh viên đại học, xuống đường từ ngày 19/8 nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Đám đông người biểu tình đã chặn các tuyến đường, xông vào một sân bay và đốt phá trụ sở Hội đồng Lập pháp khu vực, cũng như tấn công một nhà tù ở Sorong.
Lợi dụng tình hình bạo loạn, 250 tù nhân trong tổng số 547 người đang bị giam giữ đã đào thoát khỏi nhà tù. Trên 1.200 cảnh sát Indonesia đã được điều động thêm tới tỉnh Papua nhằm duy trì an ninh trật tự.
Người phát ngôn cảnh sát quốc gia, Tướng Dedi Prasetyo, cho biết hầu hết những người biểu tình bị kích động sau khi 43 sinh viên người Papua bị bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ của Indonesia treo trước ký túc xá trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập hôm 17/8. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào khu ký túc xá trước khi bắt giữ các sinh viên trên. Người biểu tình cáo buộc lực lượng an ninh Indonesia đã sử dụng "những từ ngữ phân biệt chủng tộc một cách cực đoan" đối với người Papua.
Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm ở phía Tây của đảo New Guinea, Indonesia. Người dân địa phương này có tập quán và văn hóa khác biệt với phần còn lại của Indonesia. Năm 1969, Papua sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu do Liên hợp quốc bảo trợ.