IMF: Nhật Bản cần cắt giảm thâm hụt ngân sách ngay lập tức

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật Bản phải hành động ngay lập tức để cải thiện sức khỏe tài chính của nước này trong bối cảnh rủi ro thiên tai gia tăng và chi phí an sinh xã hội tiếp tục tăng.

Chú thích ảnh
Khách mua hàng Nhật Bản xem giá bắp cải. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản, Nada Choueiri, cảnh báo: "Hiện tại, Nhật Bản có rất ít không gian để giải quyết các cú sốc. Nhật Bản cần lập kế hoạch ngay hôm nay để tìm không gian phù hợp" với nhu cầu chi tiêu tài chính mà không làm tăng thâm hụt". 

Cảnh báo của IMF được đưa ra khi Nhật Bản tăng cường chi tiêu để giải quyết nhiều nhu cầu khác nhau, từ củng cố quốc phòng đến nỗ lực tăng tỷ lệ sinh. Điều đó xảy ra ngay khi chi phí tài chính của nước này đang tăng dần do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất trong năm qua. Nhật Bản hiện đang gánh chịu gánh nặng nợ công lớn nhất trong số các quốc gia phát triển.

Trong báo cáo Điều IV được công bố vào ngày 7/2, IMF cho biết có "rủi ro đáng kể" là thâm hụt của Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng, xét đến những yêu cầu chính trị đối với chính phủ thiểu số của Thủ tướng Shigeru Ishiba. IMF dự báo thâm hụt chính (primary deficit) của Nhật Bản sẽ tăng nhẹ lên 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025, so với mức 2,1% GDP của năm ngoái. Thâm hụt chính là thâm hụt tài chính của năm hiện tại trừ đi các khoản thanh toán lãi cho các khoản vay trước đó.

"Một sự suy giảm nhỏ, nhưng vẫn là hướng đi sai", bà Choueiri đánh giá, "Thâm hụt cần phải đi theo hướng dốc xuống trong trung hạn để đảm bảo rằng các tài khoản tài chính vẫn bền vững".

Theo ước tính của Bộ Tài chính vào tháng trước, chi phí trả nợ của quốc gia này trong năm tài chính 2028 dự kiến sẽ tăng 25% so với năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025, với giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 3% và lạm phát là 2%. Theo báo cáo ngày 7/2, IMF dự báo quy mô nợ công của Nhật Bản sẽ là 232,7% GDP trong năm nay.

Bà Choueiri nhấn mạnh: "Chính phủ cần chuẩn bị ngay từ hôm nay cho sự gia tăng lợi suất, vì Nhật Bản không muốn có những bất ngờ tiêu cực trong 4-5 năm tới", đồng thời lưu ý rằng tốc độ tăng lãi suất dần dần sẽ giảm thiểu rủi ro trước mắt.

Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, Gita Gopinath, phát biểu: "Nhưng lời khuyên rất mạnh mẽ của chúng tôi là Nhật Bản cần bắt đầu củng cố tài chính ngay bây giờ".

Chính phủ của Thủ tướng Ishiba đã thông qua ngân sách bổ sung 13.900 tỷ yen (91,3 tỷ USD) để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mới nhất của đất nước và Nội các đã phê duyệt ngân sách ban đầu kỷ lục 115.500 tỷ yen cho năm tài chính bắt đầu vào tháng 4.

Về chính sách tiền tệ, bà Choueiri bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận của BoJ trong việc bình thường hóa lãi suất dần dần. Bà cho biết IMF tiếp tục kỳ vọng lãi suất sẽ tăng dần lên mức trung lập khoảng 1,5% vào cuối năm 2027.

Vào tháng trước, BoJ đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ ba kể từ tháng 3/2024, nâng lãi suất chính sách lên 0,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong một cuộc họp báo sau quyết định trên của BoJ, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã ngụ ý rằng có khả năng sẽ tăng thêm nữa, tuyên bố rằng ngân hàng vẫn còn cách xa mức lãi suất trung lập.

IMF cho biết trong báo cáo rằng sau ba thập kỷ lạm phát gần bằng 0, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể đạt được trạng thái cân bằng mới một cách bền vững.

Bà Choueiri cho biết bà ngày càng tự tin rằng Nhật Bản sẽ đạt được lạm phát ổn định trong trung hạn, trích dẫn các dấu hiệu gần đây về kỳ vọng lạm phát tăng cường, tăng trưởng tiêu dùng và áp lực giá do nhu cầu. "Đây là những chồi xanh duy trì niềm tin của chúng tôi rằng chúng tôi đang đi đúng lộ trình hướng tới lạm phát bền vững ở mức 2%", bà cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu phái đoàn cảnh báo rằng BoJ nên thận trọng và linh hoạt về quy mô và thời điểm tăng lãi suất, xét đến các yếu tố bao gồm sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. Một mối quan tâm chính là làn sóng thông báo liên quan đến thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này có thể gây sức ép lên thương mại toàn cầu. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa ra tín hiệu về bất kỳ hành động áp thuế nào đối với Nhật Bản.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát và chú ý đến những thông báo này", bà Choueiri cho biết, "Vì Nhật Bản có sự hội nhập cao vào nền kinh tế thế giới, nên chúng tôi cần cảnh giác về cách bất kỳ thông báo nào sẽ tác động đến nền kinh tế của họ.

Nguyễn Tuyến (PV TTXVN tại Tokyo)
Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật chủ động phòng thủ trên không gian mạng
Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật chủ động phòng thủ trên không gian mạng

Ngày 7/2, nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép cảnh sát và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vô hiệu hóa các máy chủ của đối phương trong trường hợp xảy ra hành động tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu. Bước đi này nhằm tăng cường khả năng của Nhật Bản trong việc chủ động phòng thủ trên không gian mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN