Thông báo của IMF nêu rõ Ban điều hành của Quỹ đã đồng ý "tạm thời tăng giới hạn tiếp cận tích lũy trong khuôn khổ các công cụ tài chính khẩn cấp của IMF" cho đến hết tháng 6/2023.
Tháng 4/2020, khi thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm và tử vong do COVID-19 đầu tiên, IMF đã nới lỏng quyền tiếp cận các khoản trợ giúp nói trên, bao gồm nâng mức hỗ trợ mà các quốc gia có thể được hưởng. Các chương trình này đã được gia hạn hai lần, vào tháng 9/2020 và tháng 3/2021.
Ban Điều hành IMF cũng nhất trí rằng "tất cả các giới hạn tiếp cận khác" đã được tăng tạm thời sẽ được giảm về mức trước đại dịch, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 theo đúng kế hoạch.
IMF nhấn mạnh quyết định trên đảm bảo cho các nước thành viên tiếp tục được tiếp cận tài trợ khẩn cấp của quỹ trong trường hợp nảy sinh các vấn đề cấp bách về cán cân thanh toán.
Các công cụ nói trên của IMF bao gồm Chế độ Tín dụng nhanh - một chương trình cho vay không lãi suất dành cho các nước thu nhập thấp và Công cụ Tài chính nhanh dành cho tất cả các nước thành viên chính thức của IMF. Theo đó, các khoản tài trợ có thể được giải ngân rất nhanh để trợ giúp các nước thành viên triển khai các chính sách ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Ngày 20/12 vừa qua, IMF thông báo đã phê duyệt đợt giảm nợ thứ 5 và là đợt cuối cùng trong chương trình ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ tổng trị giá 115 triệu USD nhằm giúp các nước nghèo nhất thế giới đối phó với COVID-19.