IMF cũng đánh giá rằng xu hướng thị trường tại các nền kinh tế mới nổi có thể tồi tệ hơn nếu Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.
Theo báo cáo của IMF, sự gia tăng chính sách bảo hộ, căng thẳng thương mại cùng những biến động chính trường và chính sách cũng có thể dẫn đến các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn. Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde thậm chí cảnh báo: "Sự hỗn loạn ở một số nền kinh tế mới nổi có thể tồi tệ hơn, tình trạng giảm dòng vốn và phí tài trợ cao hơn sẽ xảy ra ở châu Á".
Mặc dù vẫn duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á ở mức 5,6% trong năm nay, nhưng IMF đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm tới xuống còn 5,4%, giảm 0,2 điểm so với báo cáo đưa ra hồi tháng 4/2018. Theo IMF, ngoài những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc liên quan đến chính sách thuế, quyết định của IMF hạ thấp dự báo tăng trưởng của châu Á là do tác động từ căng thẳng thị trường tài chính và thắt chặt tiền tệ ở một số nền kinh tế.
IMF cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không chỉ gây tổn thất cho chính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước này (khoảng 1,6% với Trung Quốc và gần 1% ở Mỹ). Các nước khác ở châu Á, nhiều nước xuất khẩu hàng sang Trung Quốc thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Với tất cả những yếu tố này kết hợp, tăng trưởng ở châu Á có thể giảm tới 0,9% trong vài năm tới.
Theo IMF, căng thẳng thương mại kéo dài thậm chí có thể làm suy yếu niềm tin, làm tổn thương thị trường tài chính, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ngăn cản đầu tư cũng như thương mại của châu Á.
Mặc dù vậy IMF cho rằng các biện pháp kích thích ngắn hạn có thể bù đắp được đáng kể những tác động tiêu cực và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng có thể giảm thiểu thiệt hại bằng cách tự do hóa thị trường của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.