Tuyên bố này của bà Georgieva được đưa ra trong bài phát biểu trước Diễn đàn tài chính Arập lần thứ 7 đang diễn ra ở thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Ai Cập vừa đạt được một thỏa thuận về khoản vay mới trị giá 3 tỷ USD trong vòng 46 tháng, theo Cơ chế quỹ mở rộng (EFF) của IMF, nhằm giải quyết sự mất cân bằng của nền kinh tế kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng Hai năm ngoái.
Bà Georgieva cho hay các cuộc thảo luận đang diễn ra với phía Ai Cập, cùng với các quốc gia khác trong khu vực Arập, cũng liên quan đến khoản vay mới trị giá 1 tỷ USD từ Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững mới được thành lập, đồng thời cho biết thêm IMF coi vấn đề khí hậu là trọng tâm trong công việc của mình và phối hợp với các đối tác để đạt được tiến bộ trong chương trình tài chính khí hậu.
Khoản vay dự kiến của Ai Cập là một phần trong số tiền mà nước này đã được IMF cam kết bảo đảm nhằm thu hẹp khoản thiếu hụt tài chính trị giá 17 tỷ USD trong chương trình thỏa thuận cho vay kéo dài 46 tháng được IMF phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái.
Ở cấp khu vực, bà Georgieva lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) dự kiến sẽ giảm từ 5,4% trong năm 2022 xuống 3,2% vào năm 2023, trước khi tăng lên 3,5% vào năm 2024.
Liên quan tới vấn đề nợ công của khu vực, bà Georgieva nói rằng đây là một mối quan tâm đặc biệt vì một số nền kinh tế trong khu vực đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP tăng cao lên tới gần 90% đối với một số nước.
Bà cũng cảnh báo rằng lạm phát khu vực đã vượt mức trung bình toàn cầu năm thứ 4 liên tiếp vào năm 2023, hơn 10% do giá lương thực tăng cao và trong một số trường hợp là do đồng nội tệ bị trượt giá so với USD. Tuy nhiên, bà Georgieva nói rằng lạm phát khu vực dự kiến sẽ giảm dần khi giá cả hàng hóa ổn định trở lại, trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn sẽ tạo ra hiệu quả như mong đợi.
Về tài trợ cho hành động khí hậu của khu vực, Georgieva lưu ý rằng các chính phủ từ Bắc Phi đến Trung Á đã xác định nhu cầu tài chính trong nhiều năm là hơn 750 tỷ USD. Bà cho rằng thông qua các chính sách và giải pháp tài chính phù hợp, việc tạo ra một môi trường cho phép tài chính khí hậu tư nhân là chìa khóa để đáp ứng những nhu cầu này.
Bà Georgieva cũng cho biết IMF đã cung cấp cho các thành viên khu vực khoản hỗ trợ tài chính gần 20 tỷ USD kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, hơn 37 tỷ USD đã đến với thế giới Arab từ khoản phân bổ kỷ lục 650 tỷ USD dành cho quyền rút vốn đặc biệt của IMF trong năm 2021.