Theo ILO, cuộc khủng hoảng COVID-19 dự kiến sẽ làm giảm 6,7% số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm nay - tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Mức giảm lớn được dự kiến ở các nước Arab (8,1% tương đương với 5 triệu lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8% tương đương 12 triệu lao động toàn thời gian) và châu Á - Thái Bình Dương (7,2% tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian). Điều này vượt xa ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Các lĩnh vực có nguy cơ bị giảm giờ làm việc cao nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và thực phẩm, sản xuất, bán lẻ, hoạt động kinh doanh và hành chính.
Cũng theo báo cáo của ILO, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự phát triển trong tương lai và các biện pháp chính sách ứng phó với COVID-19. Rất có thể con số thất nghiệp cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của ILO. Điều đó có nghĩa là thế giới có thể mất 25 triệu việc làm do COVID-19. Hiện tại, 81% người lao động trong lực lượng lao động toàn cầu đang bị ảnh hưởng do việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh công nhân và các doanh nghiệp đang phải đối mặt với ảnh hưởng của COVID-19. Theo nghiên cứu mới, khoảng 1,25 tỷ lao động đã được tuyển dụng trong các lĩnh vực được xác định là có nguy cơ cao bị ảnh hưởng mạnh mẽ do sa thải, giảm lương và giờ làm việc. Nhiều người đang làm những công việc được trả lương thấp, có tay nghề thấp và bị mất thu nhập một cách đột ngột.
Nhìn vào từng khu vực, tỷ lệ người lao động trong các lĩnh vực có rủi ro trên có thể thay đổi từ 26% ở châu Phi đến 43% ở châu Mỹ. Một số khu vực, đặc biệt là châu Phi, kết hợp với sự thiếu bảo trợ xã hội, mật đô dân số cao và năng lực yếu, ảnh hưởng của COVID-19 đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế cho chính phủ các nước.
Tính trên toàn thế giới, 2 tỷ người làm việc trong khu vực phi chính thức (chủ yếu là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) có nguy cơ bị ảnh hưởng đặc biệt cao do COVID-19. Ông Ryder cho rằng cần có các biện pháp chính sách quy mô lớn, tích hợp, tập trung vào 4 trụ cột gồm hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ công nhân tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, công nhân và người sử dụng lao động để tìm giải pháp.