IEA dự báo nhu cầu khí đốt sẽ giảm mạnh ở châu Âu

Ngày 31/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ giảm mạnh ở châu Âu và chậm lại ở châu Á năm nay do giá gas đã tăng tới mức cao kỷ lục. Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể tiếp tục đẩy giá năng lượng cao chót vót ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka, vùng Kiev, Ukraine. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo của IEA cho biết do cung không theo kịp cầu, cộng thêm tình trạng thiếu bất ngờ đã khiến khí đốt trên thị trường khan hiếm và giá tăng mạnh. Giá tăng khiến nhu cầu với khí đốt trong nửa cuối năm 2021 bị kiềm hãm.

Số liệu của IEA cho thấy tiêu thụ khí đốt đã tăng 4,6% trong năm 2021, hơn gấp đôi mức giảm do dịch COVID-19 năm 2020. Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt tăng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào thời tiết trong mùa hè ở Bắc bán cầu. IEA cho rằng với giả định nhiệt độ bình thường, tăng trưởng của thị trường khí đốt tự nhiên sẽ chậm lại do giá khí đốt cao. Hệ quả là nền kinh tế cũng sẽ mở cửa ở mức vừa phải. Trong khi đó, căng thẳng về nguồn cung có thể sẽ giảm bớt.

Nhu cầu toàn cầu với khí đốt dự kiến sẽ tăng ở mức khiêm tốn là 0,9% trong năm 2022, đạt 4,1 nghìn tỉ mét khối khí đốt sau khi tăng 4,6% trong năm 2021. Sản lượng khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,6% - lên 4,2 nghìn tỉ mét khối. Nhu cầu dự kiến sẽ giảm hơn 4% ở châu Âu và chậm lại ở châu Á, từ mức 7% năm 2021 xuống còn 5% trong năm 2022.

Trong khi đó, giá dầu châu Á lên gần mức cao nhất 7 năm qua vào chiều 31/1 do lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng ở Đông Âu và Trung Đông.

Tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent tăng 1,28 USD (1,4%) lên 91,31 USD/thùng sau khi tăng 69 cent Mỹ vào thứ Sáu (28/1). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,14 USD (1,3%) lên 87,96 USD/thùng, tăng 21 cent Mỹ vào thứ Sáu (28/1).

Các nhà phân tích thị trường cho rằng nỗi lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, cùng với những rủi ro địa chính trị đang diễn ra khiến thị trường bắt đầu xu hướng tăng giá trong tuần này. Với kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ sẽ vẫn duy trì chính sách tăng dần sản lượng, giá dầu sẽ trong xu hướng đi lên trong tuần này, trong đó giá dầu Brent có khả năng sẽ duy trì trên 90 USD/thùng còn WTI sẽ hướng tới ngưỡng 90 USD/thùng.

Giới phân tích dự đoán trong cuộc họp ngày 2/2 tới OPEC+ có thể sẽ bám sát kế hoạch tăng mục tiêu sản lượng dầu mỏ vào tháng 3/2021.

Thanh Bình (TTXVN)
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga cắt nguồn khí đốt cho châu Âu?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga cắt nguồn khí đốt cho châu Âu?

Mỹ và các đồng minh đang chạy đua để đưa ra các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị tắc nghẽn nếu xảy ra xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN