ICESCO thành lập liên minh ứng phó tác động dịch bệnh tới cộng đồng Hồi giáo

Ngày 10/4, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới Hồi giáo (ICESCO), có trụ sở tại Maroc, thông báo đã thành lập một liên minh toàn cầu ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) với cộng đồng người Hồi giáo.

Chú thích ảnh
Các tín đồ Hồi giáo đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Thánh địa Mecca, Saudi Arabia ngày 13/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của ICESCO nêu rõ liên minh này sẽ bao quát và hỗ trợ các dự án tại địa bàn, các chương trình quản lý và kế hoạch để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với đại dịch và ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tổ chức này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức xã hội, các tổ chức khu vực và quốc tế và các nhà bảo trợ ủng hộ cho hoạt động liên minh đạt được những mục tiêu đề ra.

ICESCO là một tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, chuyên về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và truyền thông ở các nước Hồi giáo, để hỗ trợ và tăng cường quan hệ giữa các quốc gia. Hôm 3/3 vừa qua, ICESCO đã công bố giải thưởng trị giá 200.000 USD cho người tìm ra biện pháp điều trị COVID-19 hiệu quả hoặc vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.

* Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn số liệu của Ủy ban giám sát đại dịch COVID-19 của nước này cho biết tính đến chiều 10/4 (giờ địa phương), Algeria ghi nhận thêm 95 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở quốc gia này lên lần lượt là 1.761 ca và 256 ca. Bên cạnh đó, tổng cộng 90 bệnh nhân COVID-19 tại Algeria đã được chữa khỏi. Hiện dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 45/48 tỉnh, thành phố tại quốc gia này. Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria xếp thứ 3 ở châu Phi về tổng số lượng người mắc bệnh, sau Nam Phi và Ai Cập, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 14%. Algeria đang trong tình trạng báo động dịch bệnh cao nhất, chính phủ yêu cầu người dân tôn trọng các quy định về phòng chống dich bệnh, ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Algiers, Algeria, ngày 26/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

*Ngày 10/4, Chính phủ Senegal đã ban bố lệnh cấm các công ty của nước này sa thải người lao động trong giai đoạn đại dịch, trừ những trường hợp thiếu trách nhiệm, chểnh mảng gây hậu quả nghiêm trọng. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 14/4. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện tuỳ chọn các biện pháp như giảm giờ làm việc hoặc làm việc theo ca, thay vì cho nhân viên tạm nghỉ việc. Chính phủ Senegal thông báo hàng nghìn công nhân nước này về khả năng chậm lương do tác động của dịch. Cho đến nay, Senegal đã ghi nhận 265 trường hợp dương tính với virus, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở Senegal thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực và nhiều nơi khác trên thế giới.  

Cũng trong ngày 10/4, Chính phủ Senegal cũng triển khai gói viện trợ lương thực cho những người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở khu vực ven biển thủ đô Dakar. Chính quyền đã trao khoảng 400 tấn gạo, hàng nghìn gói đường và các nhu yếu phẩm khác cho những người dân nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 40% dân số Senegal đang sống với mức thu nhập dưới 1,9 USD/ ngày.

Lê Quang Trường- Tấn Đạt  (TTXVN)
Viện dưỡng lão trên toàn cầu trở thành điểm nóng do COVID-19
Viện dưỡng lão trên toàn cầu trở thành điểm nóng do COVID-19

Các viện dưỡng lão từ Tây Ban Nha tới Mỹ đều trở thành điểm nóng và đang điêu đứng vì COVID-19. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề quản lý viện dưỡng lão trong bối cảnh đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN