Máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay McCarran ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 15/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không được dự báo sẽ tăng từ 4,1 tỷ lượt người/năm lên con số 7,8 tỷ lượt hành khách vào năm 2036.
Giám đốc Huấn luyện bay tại Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC), nơi đào tạo các phi công Pháp và phi công của các hãng hàng không quốc tế, ông Guillaume Roger cho biết: “Nhu cầu về phi công vẫn rất lớn tại châu Á, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ…, và châu Âu mặc dù những năm vừa qua là thời gian khủng hoảng tại khu vực này”.
Theo một nghiên cứu của trung tâm hàng đầu thế giới về đào tạo phi công mang tên CAE (Canada), ngành công nghiệp hàng không sẽ cần 255.000 phi công mới trong thập niên tới. Tuy nhiên, một nửa số phi công cần có trong 10 năm tới hiện vẫn chưa được đào tạo và các hãng hàng không sẽ cần 70 phi công mới mỗi ngày trong các năm tới.
Tình trạng thiếu hụt phi công tại Pháp ở mức cao nhất, các hãng hàng không thậm chí tìm cách tuyển dụng các giảng viên đào tạo phi công. Mới đây, hãng hàng không Air France, từng đóng cửa cơ sở đào tạo phi công trẻ vào năm 2007, vừa mới mở cửa trở lại cơ sở này. Trong lúc Hãng hàng không Iran Air còn bắt đầu tuyển dụng cả các nữ phi công.
Trong khi đó, người phát ngôn của Hãng hàng không Swiss (Thụy Sỹ) Meike Fuhlrott cho biết Swiss không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt phi công khii nghề phi công vẫn hấp dẫn. Hãng hàng không Thụy Sỹ tuyển dụng chủ yếu là các phi công người Đức và Áo.
Các nhà sản xuất máy bay lớn cũng từng dự đoán tình trạng thiếu hụt phi công này sẽ diễn ra.