Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp tham vấn chính sách cấp cao giữa IAEA và Hàn Quốc tại thủ đô Seoul ngày 21/3, ông Varjoranta cho biết IAEA "sẵn sàng khôi phục các hoạt động kiểm tra giám sát tại Triều Tiên ngay khi môi trường chính trị, các thỏa thuận và quyền hạn... cho phép" và làm tất cả để đảm bảo rằng mọi công việc liên quan tới Triều Tiên sẽ được tiến hành, song cũng thừa nhận tiến trình này sẽ không dễ dàng và nhanh chóng.
Ông Varjoranta tới Seoul trong bối cảnh căng thẳng có dấu hiệu hạ nhiệt tại Bán đảo Triều Tiên khi Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh hiếm hoi với Bình Nhưỡng lần lượt vào tháng 4 và tháng 5 tới nhằm thảo luận về phi hạt nhân hóa. Ông nhận định: "Đây là thời điểm quan trọng trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân nói chung". Ông cho biết IAEA đang "thận trọng theo dõi" các diễn biến tại Triều Tiên và hy vọng các cơ hội này sẽ đạt tiến triển nhất định.
Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ đề xuất tài trợ giúp IAEA thanh sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng chấp nhận hoạt động thanh sát này. Cụ thể, Nhật Bản dự kiến gánh phần lớn các khoản chi ban đầu từ 350 triệu yen (3,28 triệu USD) tới 400 triệu yen (3,75 triệu USD), được cho là cần thiết để tài trợ hoạt động thanh sát tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, gồm một nhà máy làm giàu urani, một lò phản ứng và cơ sở tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng. Nhật Bản cũng đang xem xét tăng thêm các khoản tiền nếu chi phí gia tăng, chẳng hạn như do phát hiện những cơ sở mới.
Nhật Bản và Mỹ coi các cuộc thanh sát của IAEA là bước đầu tiên hướng tới việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, IAEA hiện không được tiếp cận trực tiếp các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên kể từ sau khi các thanh sát viên bị trục xuất hồi tháng 4/2009. Tháng 8/2017, IAEA đã thành lập một tổ đặc nhiệm nhằm chuẩn bị nối lại hoạt động thanh sát này ngay khi có thể đạt một thỏa thuận với Triều Tiên.