Hy Lạp vỡ nợ, nhưng vẫn ở lại eurozone?

Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp chưa tìm ra lối thoát, khi mà Athens và các chủ nợ còn nhiều điểm bất đồng. Một số quan chức châu Âu giờ đã nói đến một kịch bản mà trước đây được coi là “không tưởng”: Giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) khi nước này phá sản, không có khả năng trả nợ.

Ý tưởng này hoàn toàn khác biệt so với những tính toán được cho là “thông thái” trong suốt 5 năm qua liên quan đến khủng hoảng nợ Hy Lạp. Lý do nằm ở chỗ, cú sốc phá sản sẽ đồng nghĩa với luồng tiền tháo chạy khỏi ngân hàng, Athens buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và cuối cùng là rời khỏi eurozone (Grexit). Thế nhưng khi mối nguy về các khoản nợ còn lớn hơn Grexit, thì việc tìm ra cách thức để tránh gây ra cơn bấn loạn trên thị trường tiền tệ Hy Lạp xem ra lại có sức hấp dẫn mới.

Biểu tình tại thủ đô Athens phản đối thỏa thuận cho vay của IMF và EU. Ảnh: AFP/TTXVN


Một số người cho rằng, động tác này giúp châu Âu tránh được sự lúng túng trước việc một thành viên rời khỏi eurozone, dập tắt những hoảng loạn trên thị trường tài chính sau việc phá sản của một nền kinh tế và tránh được một tiền lệ xấu từ Grexit – điều sẽ làm xói mòn lòng tin của những thành viên còn lại trong eurozone.

Ý tưởng giữ Hy Lạp ở lại eurozone ngay cả khi phá sản đã được các quan chức tài chính cấp cao các nước eurozone đề cập đến hồi tuần trước. “Nó chưa hẳn là một kế hoạch, nhưng là một bước tiến quan trọng trong cách nghĩ”, một quan chức giấu tên tham dự các cuộc hội đàm về khủng hoảng nợ Hy Lạp bình luận. Chính Phó Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Vitor Constancio cùng từng nói rằng, nếu Hy Lạp phá sản thì cũng không có điều luật nào buộc Athens phải rời khỏi eurozone.

Trong trường hợp này, do ngân khố trống rỗng và không được “bơm tiền”, nên Hy Lạp bó buộc phải phát hành một đồng tiền riêng, sử dụng song song với đồng euro; hoặc là phát hành giấy ghi nợ (IOU) nhằm lấy tiền để trả lương công chức, thanh toán cho các nhà thầu chính phủ… Thế nhưng để vận hành đồng thời hai hệ thống tiền tệ này không phải là điều dễ dàng, vì người dân, doanh nghiệp sẽ đổ xô đem tiền mới và kể cả các IOU lấy đồng euro, gây ra biến động lớn trên thị trường tiền tệ, làm phát sinh những hệ lụy từ thị trường chợ đen.

Có lẽ điều quan trọng nhất khi giữ hai đồng tiền này tồn tại song hành là nó sẽ buộc chính phủ Hy Lạp làm tất cả mọi thứ để đi ngược lại những gì mà Athens đang tranh đấu: Cắt giảm chi tiêu chính phủ, thực hiện chương trình tài khóa thắt chặt. Luồng quan điểm ủng hộ kịch bản này nói rằng, đây là hình thức “phá sản có kiểm soát”, “phá sản tạm thời”, sẽ buộc Thủ tướng Alexis Tsipras cuối cùng phải đi tới một thỏa thuận với các chủ nợ.

Cách tiếp cận Hy Lạp phá sản-vẫn ở lại eurozone suy cho cùng cũng chỉ là việc các bên đi tới một tiếng nói chung. Cuộc đàm phán giữa Athens và các chủ nợ vào ngày 18/6 tới sẽ giữ vai trò quyết định. Các bên đều cố gắng phát đi những thông điệp cứng rắn nhưng không phải mang tính đường cùng.  Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Varoufakis bác bỏ khả năng xảy ra Grexit, nhưng hối thúc các chủ nợ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét tái cấu trúc nợ. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/6 thì nói rằng, các bên cần làm mọi việc để Hy Lạp tiếp tục ở lại eurozone. Liên quan đến vấn đề gai góc nhất là cắt giảm lương hưu, ông Hollande bình luận EU không bắt buộc Athens làm điều đó, nhưng phải trình ra một giải pháp khác thay thế.

Người phát ngôn EU Annika Breidthardt cho biết, các chủ nợ không đưa ra điều kiện tiên buộc Hy Lạp cắt giảm lương hưu. Vấn đề nằm ở chỗ, Athens hiện duy trì một hệ thống lương hưu “đắt đỏ” nhất châu Âu, chiếm đến 16% GDP. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EU chỉ yêu cầu Hy Lạp duy trì thặng dư ngân sách ở tỉ lệ 1% GDP, trong khi Athens chỉ chấp nhận mức 0,004% GDP.

Hoài Thanh (Theo BBC, WSJ)
EC giục Hy Lạp đáp lại nhượng bộ của chủ nợ
EC giục Hy Lạp đáp lại nhượng bộ của chủ nợ

Ủy ban châu Âu (EC) thúc giục Hy Lạp đưa ra những biện pháp cụ thể để đáp lại những nhượng bộ trước đó của các chủ nợ quốc tế nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN