Thế bế tắc giữa Athens và các chủ nợ quốc tế về cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn chưa có lối thoát. Ẩn sau đó là những tính toán của các bên liên quan. Tối muộn ngày 10/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có cuộc gặp kéo dài hơn hai tiếng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đối với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Đã không có bước đột phá nào được tạo ra, do còn có khoảng cách bất đồng. Liên minh châu Âu (EU) kiên quyết bác bỏ kế hoạch cải cách mới mà Hy Lạp vừa đề xuất.
Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức A. Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp F.Hollande (phải) hôm 10/6. Ảnh: DW |
Việc Hy Lạp và các chủ nợ liên tục tuyên bố “sẵn sàng” đưa toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tới bên bờ thảm họa đã cho thấy một tình cảnh đầy chông gai, thách thức. Nó đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia lý thuyết kinh tế: Hy Lạp và đối tác đang thực sự chơi trò chơi gì?
Nhìn qua, có vẻ như đó là trò “thách đố” cổ điển (game of chicken), mà ở đó hai người chơi đều cố tỏ ra mình là người quyết đoán để người còn lại phải thoái lui. Các chủ nợ, cụ thể là Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhất quyết bảo lưu quan điểm sẽ không thể cung cấp thêm gói hỗ trợ tài chính hay nới lỏng các điều kiện về thắt chặt chi tiêu đối với Athens.Về phần mình, Hy Lạp thậm chí còn tỏ ra “cương” hơn khi nói rằng sẵn sàng phá sản nếu EU không hành động đúng, một viễn cảnh có thể kích hoạt cơn bấn loạn ở eurozone.
Nó cũng có thể là trò “Song đề tù nhân” hay “Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù” (Prisoner’s dilemma) trong lý thuyết trò chơi. Bản chất nằm ở chỗ hai người có thể nhận được kết cục tốt đẹp hơn nếu biết hợp tác, nhưng sự nghi ngờ lại không cho phép họ làm vậy. Trên quan điểm này, các chủ nợ quyết đặt ra những điều khoản quá khắc nghiệt buộc Hy Lạp phải chấp nhận, còn Athens thì lại bắn tiếng về một sự phá sản bất ổn, vốn sẽ gây ra những kết cục cũng không tốt đẹp gì cho đối thủ. Thế nhưng, cách cắt nghĩa này đi tới một luận điểm: Được - mất của những người chơi hoàn toàn mang tính hệ thống, một điều kiện có thể sẽ không thật hợp lý khi tính đến những bất lợi lớn mà Hy Lạp phải đối mặt.
Vậy nên, có một trò khác có thể lý giải đầy đủ nhất tình cảnh hiện nay: “Trò chơi tối hậu thư” (Ultimatum Game). Giả định rằng có hai người tham gia trò chơi và được đưa tổng số tiền biết trước; với câu hỏi đặt ra là chia số tiền này như thế nào. Người thứ nhất (người đưa) có quyền quyết định sẽ đưa cho người thứ hai (người nhận) bao nhiêu tùy ý. Người thứ hai có quyền nhận hay từ chối số tiền được đưa. Cả hai sẽ chỉ nhận được tiền nếu cùng đồng ý với phương án chia tiền.
Về lý thuyết, xuất phát từ yếu tố tối đa hóa lợi nhuận, người đưa chỉ muốn cho người nhận số tiền tối thiểu và điều này sẽ được chấp nhận, vì “có còn hơn không”. Nhưng khi áp dụng trong thực tế, kết quả cho thấy người nhận sẽ từ chối nếu số tiền đề nghị nhỏ hơn 30%. Lý do nằm ở chỗ, những tính toán này không chỉ xuất phát từ yếu tố kinh tế đơn thuần, mà là từ những xúc cảm nằm sâu bên trong liên quan đến sự công bằng, công lý và danh dự.
Mô hình này có thể là lời giải tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu với ngòi nổ mang tên Hy Lạp. Các chủ nợ thì cứ nghĩ rằng Hy Lạp do ở thế yếu nên sẽ rất “biết ơn” nếu được cứu trợ và từ đó sẵn lòng tiến hành các cải cách kinh tế, vì nếu không thì nước này cũng chẳng nhận được một đồng nào. Thế nhưng Hy Lạp, dù vẫn thừa nhận sự cần thiết phải cải cách, thì lại nhìn nhận các chủ nợ có thể mở “hầu bao” lớn hơn nữa, cảm thấy bị tổn thương do những hệ quả phải chịu đựng. Ở thế cùng đường, nước này sẵn sàng mạo hiểm rời khỏi eurozone để giữ được tính độc lập, phẩm giá.
Đứng trên góc nhìn này, khủng hoảng hiện nay không phải là cuộc đối đầu về kinh tế. Tất cả những điều khoản kỹ thuật về cơ chế cấp vốn, thời hạn trả nợ chỉ là công cụ để các bên thi triển sức mạnh, buộc bên kia phải chống đỡ. Vậy nên, khi ông Tsipras gọi các đề xuất của chủ nợ là “lố bịch” thì quả thực nó là như vậy khi ông muốn tìm kiếm cách xử sự lịch thiệp của một con người. Ngược lại, việc Chủ tịch EC Jean-Claude Juncke từ chối nghe điện thoại của ông Tsipras thì cũng có thể hiểu được: Ông hoàn toàn lúng túng trước sự cứng đầu của Athens.
Trong cuộc sống, không thể giải thích hành vi của con người chỉ dưới góc nhìn thuần túy về lợi ích kinh tế. “Trò chơi tối hậu thư” cho chúng ta thấy một điểm: Cuộc khủng hoảng Hy Lạp không thể cắt nghĩa đơn giản qua lăng kính được-mất về kinh tế. Ai cố suy nghĩ như vậy sẽ chỉ tạo ra những tính toán sai lầm và phải trả giá, vì còn nhiều giá trị khác cần phải được đưa vào xem xét .