Cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vận động tranh cử cho đảng Syriza tại thủ đô Athens ngày 18/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đây là cuộc tổng tuyển cử thứ ba trong năm nay ở "Xứ sở thần thoại" và được đánh giá là mang tính quyết định đối với vận mệnh của nước này.
Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương, tức 11 giờ Việt Nam). Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết có hơn 9,8 triệu cử tri từ 18 tuổi trở lên đăng ký đi bỏ phiếu, trong đó hơn 50% cử tri là phụ nữ. Có khoảng 110.000 cử tri là thanh niên lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu. Dự kiến, bộ này sẽ công bố kết quả sơ bộ của cuộc bỏ phiếu vào 18h giờ (1h sáng 21/9 theo giờ Việt Nam), tức là khoảng 2 tiếng dồng hồ sau khi các điểm bỏ phiếu trên cả nước đóng cửa.
Trong cuộc bầu cử lần này, có tới 9 đảng cùng chạy đua với hi vọng giành được lợi thế tại quốc hội. Theo kết quả của các cuộc khảo sát, hai đảng đang dẫn đầu là đảng cánh tả Syriza cầm quyền và đảng Dân chủ Mới đối lập. Trong đó, kết quả các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy đảng Syriza của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras đang giành ưu thế trước các đối thủ, và dẫn trước đảng Dân chủ Mới của ông Vangelis Meimarakis từ 0,7 đến 3 điểm phần trăm.
Đây là một khoảng cách không lớn và nhiều nhà phân tích cho rằng chưa có điều gì chắc chắn về kết quả bầu cử vì mọi thứ đều có thể thay đổi. Tuy nhiên, cả hai đảng này dường như đều khó có thể giành được đa số tuyệt đối 151 ghế trong quốc hội gồm 300 ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ. Theo đó, chính phủ sắp tới của Hy Lạp được dự đoán nhiều khả năng sẽ là một chính phủ liên minh.
Trước đó, tại cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp ngày 25/1/2015, đảng Syriza đã dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 36,3%, trong khi đảng Dân chủ Mới giành được 27,8% sự ủng hộ. Tuy nhiên, ngày 20/8, ông Tsipras đã từ chức thủ tướng và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Việc ông Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm được coi là bước đi có chủ định của ông giữa lúc nhiều nghị sĩ thuộc đảng Syriza phản đối gói cứu trợ quốc tế mới dành cho Hy Lạp vì gói cứu trợ này kèm theo rất nhiều điều khoản yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện các cải cách mang tính khắc khổ.
Ông Tsipras muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt để có thể tranh thủ sự ủng hộ hiện nay của các cử tri trước khi tiến hành giai đoạn cải cách tiếp theo vì khi đó các biện pháp như cắt giảm lương hưu, nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.