Theo báo cáo của CDC, số học sinh cấp 2 và cấp 3 ở Mỹ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong năm 2018 là 4,9 triệu người, tăng thêm 1,3 triệu người - mức tăng theo năm lớn nhất - so với năm 2017.
Trong đó, số lượng người hút các loại thuốc lá điện tử cũng tăng từ 2,1 triệu người trong năm 2017 lên 3,6 triệu người vào năm 2018.
Cụ thể, số học sinh cấp 3 sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử tăng từ 11,7% trong năm 2017, lên 20,8% vào năm 2018, trong khi đó tỷ lệ này ở học sinh cấp 2 cũng tăng từ 3,3% lên 4,9%.
Hút thuốc lá điện tử trở thành trào lưu của giới trẻ Mỹ vào những năm 2010 và dần "soán ngôi" phương thức hút thuốc lá truyền thống vào năm 2014.
Kể từ năm 2011, số học sinh cấp 2 và cấp 3 ở Mỹ hút thuốc lá thông thường giảm dần, song số lượng người sử dụng các loại thuốc lá điện tử tăng từ 1,5% lên 20,8% trong 8 năm qua.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng của Mỹ đã ban hành các quy định siết chặt hoạt động mua, bán thuốc lá điện tử như một giải pháp để ngăn chặn giới trẻ hút thuốc như cấm bán các sản phẩm thuốc lá điện tử trên mạng.
Thuốc lá điện tử được phát minh ra với mục đích thay thế cho thuốc lá truyền thống và được cho là ít gây hại đến sức khỏe người dùng, không ảnh hưởng đến người xung quanh mà vẫn mang lại cảm giác như thuốc lá thông thường.
Vì lí do này, hút thuốc lá điện tử đã trở thành trào lưu ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tính an toàn của các loại thuốc lá điện tử cho đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi do có nhiều ý kiến chưa được kiểm chứng cho rằng hút thuốc lá điện tử thực chất gây hại gấp nhiều lần cho người sử dụng.