Theo nhật báo Hungary (hungarytoday.hu) ngày 16/11, Thủ tướng nước này Viktor Orbán đã tổ chức một cuộc họp bất thường với các thành viên của chính phủ để thảo luận về sự cố tên lửa ở Ba Lan.
Chính phủ Hungary cho rằng cần có những phản ứng bình tĩnh để tránh leo thang. Trước cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristóf Szalay-Bobrovniczky đã tham vấn qua điện thoại với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
“Trong tình hình hiện tại, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh. Chúng ta phải đợi chính phủ Ba Lan cung cấp thông tin về khả năng bị tấn công bằng tên lửa”, ông Kristóf Szalay-Bobrovniczky giải thích.
Ông Kristóf nói thêm: “Chúng ta cũng đang kiềm chế và hết sức cẩn thận để không đưa ra bất kỳ kết luận nào vào thời điểm này”. Ông lưu ý trên cơ sở thông tin hiện có, các bên đang kêu gọi giữ bình tĩnh và chờ xem Chính phủ Ba Lan sẽ đưa ra thông tin gì.
Thủ tướng Orbán cũng quyết định rằng sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ được đánh giá chi tiết tại cuộc họp Nội các vào sáng 16/11.
“Cuộc họp này sẽ phân tích tình hình hiện tại từ quan điểm an ninh năng lượng và quân sự của Hungary, bao gồm cả trên cơ sở các báo cáo tình báo. Điều cần thiết bây giờ là bình tĩnh”, ông Viktor Orbán viết trên Facebook.
Trong một video trên Facebook được đăng vào sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó cho biết rằng ông đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau, qua đó bày tỏ tình đoàn kết của Hungary và chỉ ra rằng nếu Ba Lan cần giúp đỡ, Budapest sẽ hỗ trợ xử lý.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nêu rõ họ chưa thể nói bất cứ điều gì chắc chắn về sự cố tên lửa, không biết ai có thể đã bắn và với mục đích gì, trong khi một cuộc điều tra đang được tiến hành tại địa điểm xảy ra vụ việc và nếu có kết quả điều tra, Hungary sẽ được thông báo.
Trước đó, hai người đã thiệt mạng khi một tên lửa rơi xuống gần ngôi làng Przewodow ở vùng nông thôn Ba Lan, cách biên giới Ukraine 6,4 km về phía Tây vào chiều 15/11. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết không có "bằng chứng thuyết phục" về việc ai đã phóng tên lửa, trong khi Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận đứng sau sự cố và nói rằng đó là một "hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang căng thẳng". Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Theo quỹ đạo bay, không có khả năng tên lửa được phóng từ Nga". Kết quả điều tra ban đầu của Mỹ cho thấy tên lửa này do lực lượng Ukraine phóng để chặn tên lửa Nga.