Tờ Finacial Times ngày 16/5 dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, đã có hơn 70 hợp đồng được ký kết giữa Huawei với chính phủ hoặc các công ty nhà nước ở 41 quốc gia tính từ năm 2006 đến tháng 4/2021.
Theo CSIS, hợp đồng cung ứng hạ tầng đám mây, dịch vụ chính phủ điện tử đều có liên quan đến dữ liệu nhạy cảm về tình trạng sức khỏe của công dân, các thông tin về thuế, lịch sử pháp lý... Trong đó, hạ tầng đám mây thường được định nghĩa là hoạt động xây dựng các trung tâm dữ liệu, trong khi chính phủ điện tử thiên về các chức năng quản trị tự động, như cấp phép, bảo hiểm y tế, dữ liệu pháp lý.
Đa phần các đối tác ký hợp đồng với Huawei là tiểu lục địa Sahara châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh. 77% hợp đồng được thực hiện dưới hình thức không miễn phí hoặc miễn phí một phần. “Gia tăng số lượng các hợp đồng được ký kết trong năm 2018, trong đó có cả hợp đồng được công bố trong năm 2020, cho thấy những cảnh báo [của Mỹ] về nguy cơ mất an ninh trong kinh doanh với Huawei không ngăn được lãnh đạo các nước đang phát triển tăng cường hợp tác với công ty Trung Quốc”, báo cáo của CSIS được thực hiện bởi hai đồng tác giả Jonathan Hillman và Maesea McCalpin nhận định.
Về phần mình, Huawei lên tiếng khẳng định tính minh bạch trong hoạt động của tập đoàn. “Với mảng hạ tầng đám mây và cung ứng dịch vụ, Huawei không sở hữu hay kiểm soát bất kỳ dữ liệu khách hàng nào. Mọi dữ liệu người dùng đều do các khách hàng, đối tác của Huawei quản lý. An ninh mạng và bảo đảm quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu của Huawei”, thông báo của tập đoàn này nêu rõ.
Hoạt động của Huawei là điểm tranh cãi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington cáo buộc Huawei hoạt động do thám cho Chính phủ Trung Quốc thông qua việc bật đèn xanh cho chính quyền khai thác “cửa hậu” trong thiết bị của Huawei. Mỹ cũng liệt Huawei vào danh sách đen bị trừng phạt, chịu kiểm soát về tiếp cận, chuyển giao công nghệ thiết yếu, chip bán dẫn từ các công ty Mỹ.
Trung Quốc cực lực bác bỏ những cáo buộc này, quy kết Mỹ lạm dụng vấn đề “an ninh quốc gia” khi áp trừng phạt nhằm vào Huawei. Công ty công nghệ và cũng là nhà chế tạo thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này đã buộc phải cắt giảm mảng sản xuất điện thoại di động do khan hiếm nguồn cung vật tư, thiết bị.