Theo đài Sputnik, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn ông Nhậm Chính Phi đã ban hành một ghi chú nội bộ gửi tới nhân viên công ty, cảnh báo những nhân viên làm việc không đúng công suất sẽ phải đối mặt với kết cục cắt giảm lương, thậm chí còn bị sa thải.
“Họ cần hình thành một ‘biệt đội đặc công’ thực hiện các dự án mới, từ đó có thể được thăng chức nếu làm tốt. Còn nếu không thể hiện đúng vai trò của mình, cứ 3 tháng lương sẽ cắt giảm một lần”, hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ bản ghi chú nội bộ của Huawei.
Trước đó, Huawei nhiều lần bày tỏ muốn hình thành một “đội quân vô địch” có khả năng chống chọi các lệnh trừng phạt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bản ghi nhớ ngày 2/8, ông Nhậm Chính Phi cũng nhắc tới việc công ty này cần phải hình thành một “đội quân vô địch” có khả năng chống chọi trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như có kế hoạch thay đổi cơ cấu hoạt động của công ty trong 3 đến 5 năm tới.
“Chúng ta phải hoàn tất một cuộc đại cải tổ trong điều kiện khắc nghiệt và khó khăn, tạo ra một đội quân sắt bất khả chiến bại có thể giúp chúng ta đạt được chiến thắng. Chúng ta phải hoàn tất việc tái cơ cấu trong vòng 3 đến 5 năm”, nhà sáng lập Huawei nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Huawei công bố kế hoạch phát triển một trung tâm nghiên cứu tại quận Qingpu, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), công ty sẽ đầu tư 10 tỷ Nhân dân tệ vào trung tâm này, tuyển dụng 30.000 đến 40.000 công nhân để giúp công ty tự tạo ra các linh kiện chính cho sản phẩm tiêu dùng cũng như các thiết bị công nghệ thông tin, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ Mỹ.
Kể từ sau khi bị Mỹ liệt vào "danh sách đen", Huawei lệnh cho bộ phận sáng tạo phần mềm của công ty làm việc ở chế độ hết công suất – 24/7 – để đưa ra sáng kiến, tìm hệ điều hành thay thế nền tảng Android của Google. Ngày 9/8, Huawei cho ra mắt hệ điều hành riêng có tên gọi HarmonyOS, giới thiệu đặc điểm nhanh hơn hệ điều hành Android 60% và có khả năng tương thích với trí tuệ nhân tạo.
Giữa tháng 5, Tập đoàn điện tử viễn thông Huawei bị chính quyền Washington liệt vào “Entity List” (Danh sách Thực thể), đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phải xin cấp phép nếu muốn cung cấp các công nghệ và sản phẩm Mỹ cho Huawei. Sau lệnh cấm, một loạt công ty công nghệ lớn như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, và Broadcom tuyên bố cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mềm.
Theo Bloomberg, nếu không vì các lệnh trừng phạt Mỹ, Huawei có lẽ đủ sức cạnh tranh với ông lớn công nghệ Hàn Quốc Samsung giành vị trí nhà sản xuất điện thoại di động đứng đầu thế giới.