Theo kênh Al Jazeera ngày 19/12, một quan chức Houthi tên là Mohammed Abdulsalam đã bình luận rằng sứ mệnh tuần tra hải quân quốc tế nhằm bảo vệ các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ về cơ bản là không cần thiết. Ông giải thích rằng điều này là do tất cả các vùng biển gần Yemen vẫn an toàn, ngoại trừ các tàu có liên quan đến Israel hoặc các tàu đi đến Israel.
Trước đó, nhằm ngăn chặn các vụ tấn công của Houthi gây hỗn loạn Biển Đỏ, Mỹ cùng với các nước đối tác đã thành lập liên minh an ninh gồm 10 quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Bahrain ngày 19/12 cho biết, thông qua “sáng kiến an ninh đa quốc gia”, các nước muốn duy trì tự do hàng hải phải cùng nhau đối phó với thách thức do Houthi đặt ra.
Những tuần gần đây, lực lượng Houthi ở Yemen đã gia tăng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào nhiều tàu chở hàng ở Biển Đỏ, gây nguy hiểm cho tuyến đường biển vận chuyển tới 12% thương mại toàn cầu. Động thái này nhằm gây áp lực lên Israel trong cuộc chiến chống Hamas ở Gaza.
Bộ trưởng Austin cho biết liên minh an ninh này sẽ hoạt động với mục tiêu đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia và tăng cường an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Liên minh 10 nước này gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Một số nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung, trong khi những quốc gia khác hỗ trợ công tác tình báo ở phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Trước tuyên bố sẽ tấn công mọi tàu có liên quan đến Israel hoặc hướng tới Israel do phong trào Houthi đưa ra, hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã ngừng lưu thông qua eo biển Bab el-Mandeb trên Biển Đỏ.
Hai vụ tấn công nhằm vào tàu Swan Atlantic thuộc sở hữu của Na Uy và tàu MSC Clara là sự việc mới nhất trong một loạt sự cố hàng hải đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, chủ sở hữu tàu Swan Atlantic là Inventor Chemical Tankers của Na Uy cho biết tàu đang chở nguyên liệu nhiên liệu sinh học từ Pháp đến Đảo Reunion và không có liên quan Israel.
Ngày 18/12, tập đoàn dầu mỏ BP của Anh đã trở thành tập đoàn mới nhất đình chỉ hoạt động qua Biển Đỏ, trong khi hãng vận tải Đài Loan Evergreen thông báo ngay lập tức dừng các chuyến hàng vận chuyển hàng hóa của Israel.
Frontline, một trong những công ty tàu chở dầu lớn nhất thế giới, cũng công bố kế hoạch thay đổi đường di chuyển. Công ty này sẽ chỉ chấp nhận các hợp đồng mới có thể đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Cung đường đó kéo dài nhiều ngày hơn, cũng như tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.
Tình hình leo thang ở Biển Đỏ đã buộc các công ty bảo hiểm phải tăng đáng kể chi phí bảo hiểm đối với các tàu thương mại. Thậm chí những tàu có lộ trình qua Biển Đỏ còn bị từ chối cung cấp dich vụ bảo hiểm.
Công ty vận tải Mediterranean của Italy và Thụy Sĩ, CMA CGM của Pháp, Hapag-Lloyd của Đức, Euronav của Bỉ và A.P Moller-Maersk của Đan Mạch đều thông báo ngừng hoạt động trên Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới.
Chuyên gia Torbjorn Soltvedt tại công ty phân tích Verisk Maplecroft nói với AFP rằng những vụ tấn công của Houthi đã trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh hàng hải, gây tác động kinh tế và thương mại trong và ngoài khu vực.
Ngoài lập liên minh mới trên, Mỹ cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động chống các vụ tấn công của Houthi.
Hằng ngày, hai tàu khu trục Hải quân Mỹ là USS Carney và USS Mason đều đi vào eo biển Bab el-Mandeb để ngăn chặn các hành động gây nguy hiểm.
Quân đội Mỹ cho biết hôm 16/12, một tàu khu trục của lực lượng này tại Biển Đỏ đã bắn hạ 14 UAV được phóng từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen. Lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh cũng tuyên bố đã bắn hạ một UAV trong khu vực.
Cho đến nay, các lực lượng Mỹ vẫn chưa tấn công vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen.