Theo WMO, thiên tai đang ngày càng khốc liệt và thường xuyên trên toàn cầu do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong những năm 1970, trung bình mỗi năm có hơn 700 vụ thiên tai, trong khi giai đoạn 2000-2019, mỗi năm ghi nhận trung bình 3.100-3.500 vụ thiên tai. Trong giai đoạn 2010-2019, thảm họa thiên tai gây thiệt hại ước tính 383 triệu USD mỗi ngày, gấp 7 lần so với mức thiệt hại trung bình 49 triệu USD/ngày trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến hơn 11.000 thảm họa thiên tai, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.640 tỷ USD.
Báo cáo của WMO được đưa ra sau khi thế giới vừa trải qua một mùa Hè với hàng loạt thảm họa thiên nhiên gây hậu quả nghiêm trọng. Bão lũ hoành hành khắp châu Á, châu Mỹ và châu Âu cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, tàn phá cơ sở hạ tầng và cướp đi những thành quả lao động của người dân. Một số khu vực tại Trung Quốc hứng chịu những trận lũ lụt chưa từng thấy, riêng tỉnh Hà Nam ở miền Trung đã ghi nhận hơn 300 người thiệt mạng vì mưa lớn kỷ lục, với lượng mưa trong 3 ngày tương đương lượng mưa trung bình cả năm. Nước Mỹ đồng thời hứng chịu siêu bão Ida ở khu vực Đông Nam trong khi miền Tây lại trải qua các trận cháy rừng lớn và dai dẳng do hạn hán. Sau đợt mưa lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 7 ở Trung và Tây Âu, cháy rừng cũng đang trở thành nỗi ám ảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italy. Hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Tây Phi và vùng Sừng châu Phi. Tại phiên họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 hồi tháng trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề cập tới những thảm họa thiên tai đang nhấn chìm hàng triệu triệu người dân trong thảm cảnh từng ngày, coi đây là một trong những thách thức lớn của nhân loại hiện nay.
LHQ cũng cho biết những nước nghèo và nước đang phát triển đang chịu ảnh hưởng của thiên tai nặng nề hơn. Hơn 90% trong số khoảng 2 triệu người thiệt mạng vì thiên tai trong 50 năm qua là ở các nước đang phát triển. Lý giải vấn đề này, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh những hệ thống cảnh báo sớm hiện đại đã góp phần quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Tuy nhiên, chỉ có 50% trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này hiện có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả. Báo cáo của WMO cũng chỉ rõ vẫn còn tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng trong mạng lưới quan trắc thời tiết và khí tượng thủy văn tại châu Phi, nhiều nước ở khu vực Mỹ Latinh, tại Thái Bình Dương cũng như các đảo quốc ở Caribe.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ hứng chịu rủi ro thiên tai nhất ở châu Á và Thái Bình Dương. Khu vực này đã bị thiệt hại tài chính 91 tỷ USD trong giai đoạn 2004–2014 do tác động của bão, lũ lụt, hạn hán và động đất. Người nghèo và dễ bị tổn thương ở Đông Nam Á cũng là nhóm có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất khi thiên tai xảy ra. Trong khi đó, báo cáo mới công bố hồi tháng 8 của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng cảnh báo những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với Đông Nam Á, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 13/10 năm nay, LHQ chọn chủ đề "Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai”. Chủ đề của năm nay tập trung vào Mục tiêu thứ sáu của Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai là “Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai thông qua hỗ trợ phù hợp và bền vững để thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030”. Theo LHQ, năm 2021 sẽ là năm then chốt mang ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu hoàn thành chương trình nghị sự đã thống nhất vào năm 2015. Nếu không có hành động thực chất để ứng phó với biến đổi khí hậu trong 10 năm tới, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng phổ biến và trở thành mối đe dọa lớn đối với các nước đang phát triển. này có nghĩa là các thiên tai trong tương lai sẽ gây ra hậu quả và thiệt hại còn lớn hơn nữa.
Trong thông điệp chính thức gửi đi nhân ngày 13/10 năm nay, Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) nhấn mạnh hợp tác quốc tế có thể tác động mạnh mẽ đến việc giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có thu nhập thấp đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Theo UNDRR, việc hợp tác có thể được thông qua hỗ trợ các hệ thống cảnh báo sớm, khôi phục các hệ sinh thái bảo vệ trước thiên tai, xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt và nơi trú ẩn bão, nâng cao năng lực phòng chống các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt...
Trong bối cảnh Đông Nam Á là một trong những khu vực thường xuyên hứng chịu thảm họa thiên tai, đặc biệt là bão lũ, hạn hán, sóng thần... Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Quản lý thiên tai ASEAN. Chủ đề Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai ASEAN năm 2021 là "Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép", nhấn mạnh vai trò của hợp tác cùng nhau vượt qua đại dịch và tăng cường sức chống chịu trước thiên tai, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chung về thúc đẩy hình thành một ASEAN an toàn, toàn diện hơn, có khả năng thích ứng và chống chịu thiên tai.
Như khẳng định của ông Marco Toscano-Rivalta, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNDRR, không quốc gia nào trên thế giới có thể tự mình giải quyết các rủi ro về khí hậu, sinh học và thiên tai. Trong bối cảnh cả thế giới đang đối phó với thách thức toàn cầu của đại dịch COVID-19 và thiên tai ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu, việc nâng tầm hợp tác quốc tế và khu vực trong vấn đề quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trở thành "vũ khí" để con người vượt qua "thách thức kép" này.