Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 24 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Prayut đã đề xuất các phương thức để ASEAN+3 củng cố Cộng đồng Đông Á lấy người dân làm trung tâm, an ninh, thịnh vượng và bền vững, trong bối cảnh ASEAN+3 sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập vào năm tới.
Theo đó, Thủ tướng Prayut cho rằng các quốc gia thành viên cần tiếp tục duy trì ASEAN+3 như là khuôn khổ hợp tác chính để thúc đẩy khả năng phục hồi lâu dài của khu vực một cách cụ thể và hiệu quả, thông qua các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực, nhằm nâng cao năng lực trong việc giải quyết các thách thức trong tất cả các khía cạnh, bao gồm y tế công cộng, kinh tế, môi trường và phát triển bền vững. Thái Lan sẵn sàng xây dựng Kế hoạch hợp tác ASEAN+3 mới cho giai đoạn 2023-2027. Việc thành lập Nhóm Tầm nhìn Đông Á mới, bao gồm các chuyên gia từ các nước ASEAN+3, có thể được coi là để đưa ra các khuyến nghị chính sách hữu ích khi các quốc gia thành viên cùng nhau tiến tới “Bình thường tiếp theo”.
Ông Prayut cũng cho rằng việc ASEAN+3 tiếp tục hợp tác trong ứng phó đại dịch COVID-19 cả trong khuôn khổ ASEAN và song phương là một động lực đáng kể trong việc giải quyết thách thức này, đặc biệt là những đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, mà sẽ được sử dụng hiệu quả nhất để tiếp tục phân phối vaccine và vật tư y tế cho người dân trong khu vực. Theo ông, những tác động nghiêm trọng và trên diện rộng của COVID-19 nhắc nhở rằng phải thận trọng tiến về phía trước đồng thời cần chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng trong tương lai về mọi mặt. ASEAN+3 có thể giúp nâng cao năng lực khu vực về vấn đề này, đặc biệt là về vaccine, thuốc men, nghiên cứu và phát triển, dự trữ vật tư và thiết bị y tế cần thiết, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng y tế công cộng. Ngoài ra, ông cho rằng chăm sóc sức khỏe tâm thần của tất cả các nhóm dân tộc là một vấn đề cấp bách. Khi Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và trẻ nhỏ được thông qua, Thái Lan sẵn sàng thực hiện tuyên bố này nhằm đạt được những kết quả cụ thể, đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Cũng theo nhà lãnh đạo Thái Lan, ASEAN hoan nghênh sự can dự của ba đối tác trong việc triển khai hiệu quả Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi lâu dài của khu vực, thông qua hội nhập kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng. Đặc biệt, ASEAN mong muốn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sớm có hiệu lực, cũng như sử dụng nền kinh tế số và công nghệ số với trọng tâm là xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), các công ty khởi nghiệp và các doanh nhân địa phương để thúc đẩy nền kinh tế cơ sở phát triển, và thúc đẩy Sáng kiến “Kết nối các kết nối” hướng tới những kết quả cụ thể.
Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan cũng đề xuất thúc đẩy Thỏa thuận về đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) với những đổi mới tài chính nhằm duy trì ổn định tài chính và tiền tệ cũng như Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) để tăng cường an ninh lương thực. Đồng thời, các cơ chế hợp tác về phát triển bền vững cần được phát triển để thăm dò các phương pháp tiếp cận thay thế có lợi cho tất cả nhân loại vì tương lai bền vững, chẳng hạn như phối hợp Mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) với các chính sách và chiến lược xanh tương ứng của các nước đối tác trong ASEAN+3.
Thủ tướng Prayut đề xuất xây dựng khả năng phục hồi lâu dài của khu vực dựa trên nền hòa bình lâu bền. Thái Lan khuyến khích tất cả các bên liên quan can dự một cách xây dựng và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng Prayut cũng nhắc lại cam kết và sự sẵn sàng của Thái Lan hỗ trợ các tiến trình giải quyết hòa bình, phát triển tích cực và tiến bộ liên quan đến đối thoại dẫn tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.