Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/6, Cục trưởng Cục Y tế và Vệ sinh thực phẩm Hong Kong, bà Trần Triệu Thủy (Sophia Chan) cho biết sau khi xem xét các ý kiến và mối đe dọa của COVID-19 đối với sức khỏe cộng đồng, chính quyền đã thống nhất việc giảm độ tuổi tiêm vaccine sẽ giúp bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi nguy cơ lây mắc COVID-19. Theo đó, trẻ em sẽ sớm được quay trở lại trường học và nhịp sống bình thường. Các quốc gia khác cũng đã triển khai tiêm vaccine cho thanh thiếu niên.
Bà Trần Triệu Thủy khuyến nghị trẻ em trên 12 tuổi sẽ có thể tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, song những người trên 18 tuổi vẫn tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Hong Kong cũng đã mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em trên 16 tuổi từ tháng 4 vừa qua.
Quyết định trên được cho là nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, khi mà đến nay mới chỉ có 14% trong số 7,5 triệu người tại Hong Kong đã tiêm đủ 2 mũi vaccine kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai tháng 2 vừa qua. Người dân Hong Kong được phép lựa chọn giữa vaccine Pfizer/BioNTech và Sinovac.
Tuần trước, chính quyền đã gửi thư đến các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, kêu gọi họ khuyến khích nhân viên đi tiêm vaccine và cho họ nghỉ phép 1 ngày có hưởng lương sau mỗi mũi tiêm. Chính quyền đặc khu cũng đã nới lỏng một số quy định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người được tiêm chủng.
Tính tới nay, Hong Kong đã ghi nhận 11.849 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 210 ca tử vong.
Ngày 3/6, Italy đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân trên 12 tuổi sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) hồi tuần trước đã phê duyệt sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Trao đổi với báo giới, Thị trưởng Naples, Luigi de Magistris cho biết việc tiêm chủng cho người trên 12 tuổi là "tín hiệu tuyệt vời" đối với cả việc kiểm soát dịch bệnh cũng như sớm khôi phục mọi hoạt động thường nhật.
Sau sự khởi đầu chậm chạp vào đầu năm, do các vấn đề về tổ chức lẫn thiếu nguồn cung, chương trình tiêm chủng của Italy đã được đẩy mạnh. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy hơn 35 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân, với 12,4 triệu người - gần 23% dân số - hiện đã được tiêm đủ liều. Bộ trưởng Y tế Robert Speranza cho biết: "Chúng tôi vẫn có thể đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phải đối mặt với đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 126.000 ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, các ca mắc đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây và nhiều biện pháp hạn chế chống dịch đã được dỡ bỏ, mặc dù lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cùng với các hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà và quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.