Theo kết quả khảo sát Chi phí sinh hoạt thường niên lần thứ 26 do Mercer thực hiện, với giá nhà ở tăng mạnh, Hong Kong tiếp tục dẫn đầu nhóm 208 thành phố khác trên thế giới về mức độ đắt đỏ.
Châu Á có sáu đại diện lọt vào tốp 10 thành phố đắt đỏ nhất. Đáng chú ý, thủ đô Ashgabat của Turkmenistan đã thay thế thủ đô Tokyo của Nhật Bản trở thành thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới.
Thành phố New York (Mỹ) đã thăng ba bậc lên vị trí thứ sáu. Đây cũng là thành phố của Mỹ duy nhất lọt vào tốp 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Thụy Sỹ có ba thành phố lọt vào tốp 10, bao gồm Zurich (xếp thứ tư), Bern (thứ tám) và Geneva (thứ chín).
Đảo quốc sư tử Singapore đã sụt hạng từ vị trí thứ ba xuống thứ năm.
Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng sức mạnh của đồng USD đã làm tăng chi phí đối với lao động nước ngoài tại các thành phố của Mỹ. Sau New York, San Francisco là thành phố Mỹ tiếp theo trụ lại ở vị trí thứ 16, trong khi Los Angeles thăng một hạng lên vị trí thứ 17.
Tại châu Âu, London thăng bốn bậc lên vị trí thứ 19, một phần do việc đồng bảng Anh mạnh lên. Chi phí sinh sống tại Paris (Pháp) đã giảm, qua đó đưa thành phố này từ vị trí thứ 47 xuống vị trí thứ 50, giữa lúc đồng euro yếu đi so với đồng USD.
Các thành phố ít đắt đỏ nhất trong bảng xếp hạng là Karachi (Pakistan), Bishkek (Kyrgyzstan), Tashkent, Windhoek (Namibia) và Tunis (Tunisia).
Cuộc khảo sát của Mercer được thực hiện dựa trên chi phí sinh hoạt trong tháng 2 - 3/2020, khi hầu hết các quốc gia chưa bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng COVID-19.