Tiến sĩ Edwin Tsui đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh có sự gia tăng đột biến về yêu cầu tiêm vaccine và đặt lịch tiêm vaccine sau cái chết của nữ diễn viên Từ Hy Viên (Barbie Hsu) vì bị biến chứng viêm phổi do cúm ở Nhật Bản. “Nhiều người Hong Kong đi du lịch nước ngoài. Vì vậy sau khi họ trở về, thường dễ có các đợt bùng phát cúm ở trường học và nơi làm việc. Chúng tôi dự báo tình trạng lây nhiễm sẽ khá là nghiêm trọng", Tiến sĩ Edwin Tsui nói.
Cũng theo ông, mùa cúm ở Hong Kong thường kéo dài từ 2 - 4 tháng, được tính bắt đầu vào ngày 9/1. Trong năm ngoái, mùa cúm kéo dài 28 tuần do có sự chuyển dịch từ chủng cúm A H3 sang chủng H1. Tiến sĩ Edwin Tsui cho biết thêm, hầu hết các ca nhiễm cúm được phát hiện vẫn là chủng H1, chiếm khoảng 90%.
Nhiều ngưởi ở Hong Kong, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như người già, trẻ em và những người mắc bệnh nền, đã được tiêm vaccine ngừa cúm. Tính đến ngày 2/2 đã có tổng cộng 1,93 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân, tăng 6,4% so với năm ngoái. Đa số trẻ em trong độ tuổi đi học đã được tiêm phòng nhưng nhóm trẻ nhỏ hơn lại bị bỏ sót. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi chỉ đạt 21%.
Ông Edwin Tsui nói: “Về khía cạnh sức khỏe cộng đồng, chúng tôi đặc biệt kêu gọi các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi mẫu giáo hãy đưa trẻ đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt". Cũng theo lời vị chuyên gia này, 75% các ca nhiễm cúm nặng ở Hong Kong trong năm nay là người chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, Hong Kong có đủ nguồn cung vaccine cần thiết và có ít nhất 140.000 liều dành riêng cho các phòng khám tư nhân.
Đối với các nhóm không có nguy cơ cao, ước tính đã có khoảng 390.000 liều vaccine được tiêm thông qua thị trường tư nhân, nhiều khả năng là cho những người trong độ tuổi từ 18 - 49. Tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm này đạt khoảng 10 - 15%.
Trước đó, các chuyên gia cũng cảnh báo những người mắc bệnh mạn tính nên cân nhắc hoãn đến các quốc gia đang có đợt bùng phát cúm và cần ghi lại số điện thoại cấp cứu cũng như mua bảo hiểm trước khi khởi hành.