Ba ngày sau khi Nyiragongo - ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Phi, hoạt động trở lại, dung nham vẫn tiếp tục tuôn trào và chảy về phía vùng ngoại ô của thành phố 1,5 triệu dân đồng thời tạo ra những cơn dư chấn làm rung chuyển thành phố cứ mỗi 10-15 phút.
Ở phía bên kia biên giới của CHDC Congo, Cơ quan giám sát địa chấn Rwanda cho biết đã xảy ra hàng chục dư chấn, trong đó có một trận động đất có độ lớn 5,3. Một quan chức thuộc Viện nghiên cứu núi lửa Goma, Celestin Kasereka Mahinda, cảnh báo có thể sẽ có nhiều thiệt hại hơn ngay cả khi các cơn dư chấn đang giảm dần.
Núi lửa Nyiragongo sau khi “thức giấc” cũng tạo ra hai vết nứt lớn, mỗi vết nứt dài hàng trăm mét và rộng hàng chục mét, ở gần một bệnh viện lớn của thành phố và trên trục đường cao tốc gần sân bay. Những “hố đen” khổng lồ bất ngờ xuất hiện trên đường này đang khiến nhiều người dân hoang mang khi họ trở về nhà sau ba ngày phải đi lánh nạn.
Hiện sân bay ở thành phố Goma cũng như sân bay ở gần tỉnh Kivu đã đóng cửa. Khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị phá huỷ. Trong khi đó, một dòng nham thạch đen kịt tuôn ra từ núi lửa đã chặn tuyến đường huyết mạch cung cấp nhu yếu phẩm cho thành phố Goma, làm cản trở công tác cứu nạn.
Núi lửa Nyiragongo cao 3.000 mét bắt đầu phun trào từ khoảng 19 giờ (giờ địa phương) ngày 22/5, tạo ra một cột khói đỏ trên bầu trời cùng những dòng dung nham nóng chảy.
Chính phủ CHDC Congo đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân khỏi thành phố Goma nằm cách núi lửa Nyiragongo 12 km. Trước khi có lệnh sơ tán trên, hàng chục nghìn người đã hoảng sợ tháo chạy, trong đó khoảng 3.000 người chạy sang nước láng giềng Rwanda gần đó tìm nơi ẩn náu.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ( UNHCR), cho đến nay ít nhất 32 người đã thiệt mạng do núi lửa Nyiragongo phun trào.
Đây là lần phun trào mới nhất của núi lửa Nyiragongo. Trước đó, hồi đầu năm 2002, ngọn núi này cũng đã phun trào, làm hơn 100 người thiệt mạng.
Lần phun trào gây thương vong nghiêm trọng nhất là năm 1977, cướp đi sinh mạng của hơn 600 người.