Theo kế hoạch, Hội nghị quốc tế về Syria diễn ra vào ngày hôm nay (14/11) với sự tham dự của 17 nước và đại diện của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Các đại diện của phe đối lập cũng như của chính quyền Tổng thống al-Assad có thể tiếp tục không góp mặt.
Toàn cảnh về Hội nghị quốc tế bàn về khủng hoảng Syria diễn ra ở Vienna (Áo) hôm 29/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là vòng đàm phán thứ hai về Syria chỉ trong vòng 2 tuần, nhằm tìm kiếm biện pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Trước thềm hội nghị, báo chí Nga cho biết quan điểm của nhà nước Nga trước sau vẫn ghi nhận sự cần thiết phải duy trì một Syria thống nhất, tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và hỗ trợ người tị nạn Syria.
Moskva trước sau như một cho rằng cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua việc chính phủ và phe đối lập cùng tham gia một tiến trình cải cách Hiến pháp đặc biệt, trong thời gian 18 tháng, mở đường để nước này tiến hành bầu cử Nghị viện và bầu cử tổng thống trước hạn. Và các cuộc bầu cử phải được tiến hành một cách dân chủ. Phía Nga cho rằng: "Tổng thống được dân bầu sẽ giữ vai trò tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang, kiểm soát các chương trình đặc biệt và chính sách ngoại giao của đất nước". Và theo kế hoạch của Điện Kremlin, ông Bashar al-Assad vẫn có thể ra tranh cử.
Tuy nhiên, phe đối lập Syria đặc biệt phản đối giải pháp này. Họ cáo buộc đề xuất của Nga chỉ làm lợi cho chính quyền của ông al-Assad mà không quan tâm đến quan điểm của các lực lượng đối lập. Trong khi đó, Nga cho rằng ưu tiên hiện nay là phải làm rõ, phân loại các nhóm đối lập nào có thể trở thành đối tác trong tiến trình đàm phán chính trị, còn nhóm nào là khủng bố phải loại trừ. Nga cũng kêu gọi HĐBA LHQ cần sớm thông qua quyết định coi IS là tổ chức khủng bố và phải bị tiêu diệt.
Những ngày qua, trước thềm hội nghị lần thứ hai về Syria, trong khi phương Tây nói về bản kế hoạch đầy đủ do Nga đề xuất về giải pháp hòa bình cho Syria, được thể hiện dưới dạng văn kiện, thì Bộ Ngoại giao nước này lại phủ nhận rằng Nga không chuẩn bị bất cứ tài liệu nào cho cuộc đàm phán hòa bình quốc tế diễn ra ở Vienna trong ngày 14/11 (theo giờ địa phương). Nga khẳng định đó chỉ là những ý tưởng mà họ trao đổi với các đối tác nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, sớm vãn hồi hòa bình cho Syria.
Cho đến thời điểm hiện nay, bất đồng lớn nhất giữa các nước tham gia đàm phán về tương lai của Syria là việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên, tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như tiến trình chính trị tương lai của Syria... Cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria đã khiến trên dưới 300.000 người thiệt mạng và khoảng 4 triệu người buộc phải bỏ nhà cửa tìm nơi lánh nạn. Một đất nước Syria rên siết trong máu và nước mắt đang ngày đêm đòi hỏi một giải pháp hòa bình, một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên.
Điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận này, mà theo đòi hỏi của phe đối lập được các lực lượng phương Tây hậu thuẫn, đó chính là sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assat, người vốn được Nga và Iran, hai nước đồng minh chủ chốt của Syria ủng hộ. Có thể thấy đây là một trong những điểm mấu chốt gây mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các "nhà bảo trợ quốc tế" cũng như các phe phái ở Syria hiện nay. Và các nhà quan sát quốc tế lo ngại, chỉ với một bất đồng kể trên, hội nghị hòa bình lần thứ hai cho Syria có lẽ cũng không thể tạo bước đột phá.
Dường như câu chuyện ở Syria đã đi quá xa, nó không chỉ còn dừng lại ở một cá nhân ông al-Assad. Đã đến lúc các phe phái ở Syria cần phải nhận ra rằng ông al-Assad không phải là nguyên nhân cốt yếu duy nhất. Mà điều cốt yếu chính là sự tồn vong của đất nước, là cuộc sống hòa bình và ổn định của người dân Syria. Đó mới là chân giá trị đích thực, là điều đáng để các bên nên nhún nhường tại bàn đàm phán, bởi không có sự nhượng bộ, không có sự hiểu biết lẫn nhau và cùng nhìn về một tương lai yên bình cho người dân và đất nước, thì bài toán Syria sẽ còn chưa thể hóa giải.
Cho dù các nước tham gia tiến trình đàm phán có thể nhất trí quan điểm của nhau, thì chúng ta cũng đều hiểu rõ: Tương lai của Syria, phải do chính người Syria quyết định. Và cho dù có bao nhiêu hội nghị tìm kiếm hòa bình quốc tế được mở ra, cho dù các nước có thể đổ người đổ của vào đây, thì nội chiến ở Syria cũng chỉ có thể chấm dứt bởi chính người Syria mà thôi.