Chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới châu Âu bắt đầu với hội nghị quốc tế kéo dài 2 ngày ở Brussels giữa các nước thành viên NATO, tại đó các nhà lãnh hy vọng về một tình đoàn kết trước mối đe dọa chia rẽ nhóm của Nga.
Tuy nhiên, ngay sau khi ngồi vào thảo luận với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sáng 11/7, Tổng thống Trump lại một lần nữa làm các đối tác hoang mang trước những lời chỉ trích.
“Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát… họ sẽ nhận được khoảng 60-70% nguồn năng lượng từ Nga và hệ thống ống dẫn khí mới, và ông hỏi tôi điều đó có hợp lý không nhưng tôi nghĩ là không”, Tổng thống Trump nói trước khi nhắc lại lời chỉ trích Berlin không tăng chi tiêu quốc phòng.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói với CNBC rằng bà tin rằng Berlin có thể "giải quyết" những lời chỉ trích liên tục của Tổng thống Trump.
Không khí của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay trái ngược hẳn so với những lần họp trước. Các cuộc gặp đó chỉ là những lần tổ chức theo lệ, các quốc gia thành viên đoàn kết luôn khẳng định liên minh chưa bao giờ mạnh mẽ hơn và cam kết tiếp tục làm việc cùng nhau.
Tuy nhiên, trong khi phái đoàn các nước tìm cách đàm phán thận trọng về một tuyên bố chung Brussels, hãng tin Reuters trích lời một thành viên NATO cho rằng công việc khó khăn này có thể trở nên vô nghĩa nếu Tổng thống Mỹ đạp đổ mọi thứ bằng một dòng tweet.
Tổng thống Trump nhiều lần phàn nàn các thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh. Bên cạnh đó, việc thắt chặt mối quan hệ Mỹ-Âu lại bị ảnh hưởng bởi các chính sách áp đặt thuế quan thương mại của chính quyền Washington, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc họp đầu tiên với các nhà lãnh đạo NATO vào năm ngoái.
Brian Klaas, một nhà phân tích chính trị toàn cầu tại Trường Kinh tế London, nhận định: “Tổng thống Trump dường như quyết tâm phá hủy trật tự toàn cầu đang được các liên minh và thể chế củng cố... Chúng ta có thể đang đối mặt với một sự thay đổi toàn cầu về địa chính trị mà có thể gây ra nhiều hậu quả hơn bất kỳ sự thay đổi chính sách đối ngoại nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. ”
Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay được tổ chức ngay trước cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga ở Helsinki, Phần Lan vào 16/7 tới.
Phát biểu với những người ủng hộ trước chuyến công du châu Âu tại một cuộc vận động ở Montana ngày 5/7, Tổng thống Trump khẳng định: “Hãy tin tôi đi, chúng tôi sẽ ổn thôi… Tôi đã sẵn sàng chưa? Hoàn toàn sẵn sàng. Tôi đã sẵn sàng cho cuộc gặp này cả đời rồi. ”
Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki được tổ chức trong bối cảnh chính sách của châu Âu tìm cách cô lập nhà lãnh đạo Putin khỏi đấu trường toàn cầu. Anh - đồng minh quan trọng của Washington - bày tỏ lo ngại về những gì họ cho là thái độ thân thiện quá mức của Tổng thống Trump đối với nhà lãnh đạo Nga.
Từ khi chính thức lên làm Tổng thống vào tháng 1/2017, ông Trump đã tìm cách cải thiện quan hệ với Moskva - ngay cả khi Washington thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng nếu tình hình giống Hội nghị G7 vào hồi tháng 6 lại xảy ra, điều này sẽ tạo thêm nhiều sự khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.