Mặc dù năm 2018 chứng kiến các hoạt động ngoại giao cấp cao dày đặc giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ nhưng dường như không có mấy tiến triển về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Hai miền Triều Tiên đã thực hiện nhiều đợt trao đổi, giao lưu văn hóa, thể thao và nhân đạo được đề cập trong Tuyên bố Panmunjom ký trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Các sự kiện gồm thi đấu bóng rổ, tae kwon do, trình diễn văn hóa và đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên.
Clip buổi đoàn tụ gia đình ly tán nhiều cảm xúc tổ chức ngày 20/8 (nguồn: Guardian)
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của Tuyên bố Panmunjom liên quan tới phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình lại ít tiến triển. Đàm phán quân sự liên Triều đã mang lại một số kết quả nhưng hai bên còn nhiều việc phải làm.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải tập trung vào các mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong hội nghị lần thứ ba năm 2018 này.
Hai bên đối mặt nhiều rủi ro. Tiến trình phi hạt nhân hóa đình trệ có thể khiến chính quyền Mỹ thắt chặt trừng phạt kinh tế và quân sự với Triều Tiên. Rủi ro này khiến Hàn Quốc chịu áp lực trong cân bằng quan hệ với cả Triều Tiên và Mỹ. Giới phân tích nhận định Tổng thống Moon Jae-in đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong làm trung gian và thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.