Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước với các bài học mà Indonesia đúc kết được; nhấn mạnh sau 10 năm, những nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đang gia tăng và có rất nhiều vấn đề làm chậm sự phát triển của kinh tế thế giới, trong đó có sự chênh lệch về phát triển giữa các quốc gia, chiến tranh thương mại ngày càng phổ biến, công nghệ đổi mới yếu hoặc không ổn định dẫn đến nhiều ngành công nghiệp phải chịu những cú sốc, các quốc gia đang phát triển cũng trải qua áp lực thị trường lớn.
Ông Jokowi cho rằng, toàn cầu hóa và sự cởi mở của nền kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều lợi ích cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Nhờ sự hỗ trợ của các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, gần đây, mối quan hệ giữa các nền kinh tế phát triển có những biến động. Sự thiếu hợp tác và phối hợp đã gây ra nhiều vấn đề, như giá dầu thô tăng mạnh, tình trạng mất ổn định trên thị trường tiền tệ các nước đang phát triển…
Bên cạnh đó, Tổng thống nước chủ nhà cũng đề cập đến các mối đe dọa toàn cầu đang tăng nhanh chóng, trong đó có biến đổi khí hậu, rác thải nhựa trên biển, thực phẩm nhiễm bẩn ở nhiều nơi. Theo ông, đây là các mối đe dọa bất kỳ nước nào cũng phải đối mặt. Để có thể ngăn chặn và giải quyết mối đe dọa này, các nước phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh hội nghị là nơi để chia sẻ những ý tưởng và cách tiếp cận mới nhằm giải đáp những câu hỏi lớn về các vấn đề đang đặt ra cho thế giới như môi trường, thiên tai, quản lý nợ, đầu tư vào con người, chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 và tăng cường sự thịnh vượng chung.
Báo cáo hằng năm của WB đã cho thấy trong 25 năm qua, hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ cùng cực. Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu chiếm khoảng 10% dân số thế giới - mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là một trong những thành tựu to lớn của thời đại, song hiện vẫn có tới 736 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực, tốc độ giảm nghèo cũng đang chậm lại...
Chủ tịch WB kêu gọi các quốc gia đẩy nhanh nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm bằng cách đầu tư vào khu vực tư nhân, giúp các nước quản lý nợ và khai thác sức mạnh của công nghệ, giúp các nước chia sẻ rủi ro thiên tai thông qua thị trường vốn. Các nước cũng cần đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào nguồn nhân lực để chuẩn bị cho tương lai của thời đại kỹ thuật số.
Ngay sau hội nghị toàn thể sẽ diễn ra một cuộc họp về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, cùng các cuộc hội thảo, diễn đàn về các vấn đề như: Công nghệ tài chính; bảo vệ người tiêu dùng; Tài trợ chống biến đổi khí hậu mà không góp phần vào khủng hoảng nợ; Tài chính y tế bền vững để tăng cường nguồn nhân lực; Tăng cường phát triển xã hội thông qua sự tham gia của thanh niên; Kỹ thuật số và đổi mới đang thay đổi tương lai của các quốc gia…