Thư ký điều hành Hội nghị COP22 Patricia Espinosa (thứ 2, trái) và Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar (giữa) và các quan chức sau khi thông qua tuyên bố của Hội nghị ngày 17/11. Ảnh: AP/TTXVN |
Hội nghị lần thứ 22 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) ngày 17/11 đã kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày bằng việc thông qua một tuyên bố kêu gọi cam kết chính trị cao nhất và đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh lo ngại chính quyền mới ở Mỹ có thể thay đổi chính sách của nước này trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP22, diễn ra từ ngày 7/11 với mục tiêu mở đường cho việc thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã bị phủ bóng bởi kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, người cho rằng biến đổi khí hậu là một "trò lừa đảo" và thề sẽ "hủy" Hiệp định khí hậu Paris.
Tuyên bố kết thúc hội nghị nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi cam kết chính trị cao nhất để đấu tranh chống biến đổi khí hậu, coi đây là một vấn đề ưu tiên khẩn cấp. Chúng tôi kêu gọi đoàn kết mạnh với những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu và nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực thích nghi, tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiếu sự tổn thương của các nước này".
Tuyên bố ngắn gọn nói trên nhằm "gửi đi thông điệp về một sự chuyển hướng sang một kỷ nguyên mới thực thi và hành động về khí hậu và phát triển bền vững". Tuyên bố nhấn mạnh rằng một "lực đẩy đặc biệt" về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới trong năm nay là "không thể đảo ngược" vì nó "được thúc đẩy không chỉ bởi các chính phủ mà còn bởi các nhà khoa học, giới doanh nhân và hành động toàn cầu của mọi giới, mọi tầng lớp". "Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là nhanh chóng dựa trên cái đà này để hướng tới mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường các nỗ lực thích nghi, từ đó hưởng lợi từ Lịch trình Phát triển Bền vững 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững của nó".
Tuyên bố cũng tái khẳng định mục tiêu huy động 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, song không đề cập tới một thời gian biểu rõ ràng hay một lộ tình nào để các nước phát triển giải ngân lượng tiền đã cam kết từ năm 2009.
Theo đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu Jonathan Pershing, các nước phát triển đã cam kết hơn 60 triệu USD hỗ trợ các sáng kiến giúp các nước đang phát triển xây dựng khả năng minh bạch để đảm bảo rằng tất cả các nước có thể thực thi nghĩa vụ báo cáo của mình. Ông cho biết: "Chúng tôi đã thông qua một kế hoạch hành động thiết thực, nhằm củng cố nền tảng minh bạch của Hiệp định Paris".
Trước đó cùng ngày 17/11, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về hành động khí hậu Miguel Arias Canete hoan nghênh đề xuất của nước chủ nhà Maroc về việc thông qua tuyên bố. Ông Canate cho biết: "Sáng kiến này của Chủ tịch COP22 sẽ gửi đi một thông điệp chính trị quan trọng và kịp thời, vì tuyên bố này là sự bày tỏ mạnh mẽ cho quyết tâm theo đuổi đến cùng Hiệp định khí hậu Paris nhằm đạt mục tiêu nền kinh tế toàn cầu không carbon". Ông cho biết thêm: "Cam kết của EU đối với Hiệp định khí hậu Paris là chắc chắn".