Với việc phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện, Việt Nam thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu - thách thức nghiêm trọng nhất đối với hành tinh của chúng ta hiện nay.
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề toàn cầu. Ảnh: TTXVN. |
Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12/2015 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trách nhiệm cam kết này được phản ảnh qua Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mỗi Bên. Thoả thuận Paris đã được gần 180 Bên tham gia Công ước khí hậu ký vào tháng 4/2016 tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc. Hiện Thoả thuận Paris đã được 95 quốc gia, bao gồm Việt Nam, phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.
Việc thông qua Thỏa thuận Paris đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu, đặc trưng bởi phát triển phát thải các bon thấp, các mô hình sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Với nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và hiện đang triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng chiến lược cho Vệt Nam nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tới, đồng thời là nội dung chủ đạo để xây dựng cam kết nêu trong INDC của Việt Nam trình lên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2015.
Để triển khai thực hiện Thoả thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng Kế hoạch đến 2030 nhằm thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch này đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính hệ thống về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường nguồn lực, minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD từ nguồn lực nhà nước, hỗ trợ quốc tế và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thoả thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào ngày 3/11.
Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ ký Nghị quyết số 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu).
Trước đó, ngày 28/10, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Sáng ngày 3/11 theo giờ New York, Thông báo Phê duyệt đã được Chính phủ Việt Nam chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.