Theo dòng thời sự:

Hội nghị An ninh Munich phản ánh một thế giới còn nhiều bất ổn

Bế mạc ngày 18/2 sau ba ngày làm việc căng thẳng, các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich năm nay cho thấy thế giới hiện còn tồn tại rất nhiều bất ổn, với những thách thức an ninh không dễ vượt qua.

Căng thẳng giữa các nước luôn coi nhau là "đối thủ" hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã rạn nứt nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hơn 1 năm trước tiếp tục "làm nóng" diễn đàn Munich 2018. Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, một trong những xuất phát điểm của Hội nghị An ninh Munich (bang Bayern, CHLB Đức) được tổ chức từ năm 1963 đến nay, đang đứng trước thử thách lớn, đặc biệt khi chính quyền mới ở Mỹ theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên", trong đó có những thay đổi căn bản về quan hệ thương mại và quốc phòng - an ninh.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trong ảnh) khẳng định trong trường hợp cần thiết, Israel sẽ hành động đối phó với Iran, chứ không chỉ riêng đồng minh của Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại Munich năm nay, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (Xích-ma Ga-bri-en) một mặt hối thúc Mỹ và châu Âu củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống, mặt khác tiếp tục chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trước tiên", cho rằng đây không phải thời điểm theo đuổi lợi ích quốc gia riêng mà cần trở lại với sự hợp tác lớn hơn. Theo ông Gabriel, Mỹ không còn là siêu cường duy nhất và cần sự hỗ trợ từ các đồng minh truyền thống tại châu Âu, ngược lại, sức mạnh của châu Âu không đủ định hình cả thế giới, mà cần sự hỗ trợ của Mỹ. Điều này cho thấy, sau một năm, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể cải thiện, dù trên cương vị Ngoại trưởng Đức, ông Gabriel đã công du Washington tới 4 lần trong một năm qua.

Diễn ra khi tình hình khu vực Trung Đông liên tục bất ổn, Hội nghị An ninh Munich 2018 trở thành diễn đàn công kích lẫn nhau giữa Israel và Iran, liên quan căng thẳng leo thang giữa hai nước sau vụ một máy bay chiến đấu của Israel đã bị trúng tên lửa được cho là phóng từ Syria vào ngày 10/2. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ben-gia-min Nê-tan-ni-a-hu) thể hiện lập trường cứng rắn khi khẳng định trong trường hợp cần thiết, Israel sẽ hành động đối phó với Iran, chứ không chỉ riêng đồng minh của Tehran. Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (Gia-vát Da-ríp) tuyên bố Israel đã coi chủ trương gây hấn làm chính sách chống lại các quốc gia láng giềng, đồng thời cáo buộc Tel Aviv có hành động trả đũa quy mô lớn nhằm vào các nước láng giềng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhậm chức hơn một năm, nhưng những tranh cãi về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 giúp ông chiến thắng vẫn còn dai dẳng. Tại Munich, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) một lần nữa bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng bản cáo trạng do Văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (Rô-bớt Mu-en-lơ), một thành viên bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ và là người phụ trách cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, công bố ngày 16/2 với cáo buộc 3 công ty Nga và 13 công dân nước này can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ giai đoạn 2014 - 2016, là vô căn cứ và bịa đặt. Đáp lại, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster (Mắc Ma-xtơ) tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối thoại với Nga trong vấn đề an ninh mạng nếu như "Moskva có cách tiếp cận chân thành". Quan hệ Nga - Mỹ đã ở thế đối đầu căng thẳng trong nhiều năm qua, và những gì diễn ra tại Hội nghị An ninh Munich không là ngoại lệ. Sự nghi kị lẫn nhau giữa Nga và Mỹ đang khiến hai bên khó có thể hợp tác trong những vấn đề chung, đặc biệt là hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu.

Bất chấp những dấu hiệu ấm lên trong quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, cả Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (Ta-rô Cô-nô) và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đều kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì áp lực với Triều Tiên để buộc chính quyền Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Ông McMaster thậm chí còn kêu gọi tất cả quốc gia cắt đứt mọi mối quan hệ về thương mại và quân sự với Triều Tiên, để đảm bảo Bình Nhưỡng "không thể đe dọa thế giới bằng những loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất trên thế giới". Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-tê-rết) kêu gọi không nên bỏ lỡ cơ hội về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông cảnh báo một giải pháp quân sự sẽ gây ra hậu quả lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gây sức ép toàn cầu để có thể đạt được giải pháp ngoại giao.

Tuy vậy, trong suốt ba ngày làm việc tích cực, hơn 500 quan chức trong đó có nhiều lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn đã cùng nhau đi đến nhận thức chung về những thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống. Đó là nguy cơ khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh thế giới, bất chấp tại Syria và Iraq, cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã cơ bản thắng lợi.


Đó là vấn đề an ninh mạng đang trở nên nghiêm trọng hơn trong một thế giới ngày càng số hóa. Việc các nước chia sẻ một loạt sáng kiến, như hiệp định an ninh mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh sau khi London rời khỏi "mái nhà chung", hay tuyên bố chung về an ninh mạng được 9 tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Airbus của châu Âu, Daimler và Allianz của Đức cùng IBM của Mỹ ký kết, đã phản ánh mối quan tâm và sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế đối phó với những thách thức chung.

Như thường lệ, Hội nghị An ninh Munich năm nay tiếp tục là diễn đàn để thảo luận về những vấn đề an ninh lớn mà thế giới đang phải đối mặt và đề xuất các sáng kiến nhằm đối phó với mục tiêu thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cùng hợp tác và đối thoại quốc tế. Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề của một thế giới còn nhiều bất ổn này, các bên cần có những bước đi cụ thể nhằm triển khai tất cả các tầm nhìn và ý tưởng, như chính lời Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger (Vôn-phơ-cang I-sinh-gơ) đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc.

Phạm Văn Thắng/Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức (TTXVN)
Hội nghị An ninh Munich: Iran phản ứng trước lập trường của Israel
Hội nghị An ninh Munich: Iran phản ứng trước lập trường của Israel

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố Israel đã coi chủ trương gây hấn làm chính sách chống lại các quốc gia láng giềng, đồng thời cáo buộc Tel Aviv có hành động trả đũa quy mô lớn nhằm vào các nước láng giềng, cũng như thường xuyên xâm phạm lãnh thổ Syria và Liban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN