Tầm nhìn và ý tưởng mới cho trật tự toàn cầu là một trong những khẩu hiệu của hội nghị an ninh lần thứ 60 này, dựa trên quan điểm không nên có "người thắng" hay "kẻ thua" giữa các quốc gia trên thế giới mà thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế. Đó là lý do tại sao Hội nghị An ninh Munich 2024 đã mời đại diện từ các quốc gia Nam bán cầu, vốn là các nước thuộc địa cũ và đang phát triển, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây. Các đại biểu đến từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn.
Cựu Ngoại trưởng Pakistan, bà Hina Rabbani Khar, lập luận rằng quan điểm của một khu vực khác là rất quan trọng khi xây dựng các chiến lược thay thế. Đây cũng là cách nhìn nhận của cựu Ngoại trưởng Kenya, Raychelle Omamo. Bà cho rằng càng có nhiều tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới thì các cuộc thảo luận càng thú vị và các giải pháp càng phong phú.
Trọng tâm của Hội nghị An ninh Munich 2024 là về các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và Ukraine nhưng hội nghị cũng thảo luận cả vấn đề các quốc gia ở Nam bán cầu đang quay lưng lại với phương Tây. Biến đổi khí hậu và di cư do môi trường bị hủy hoại cũng là mối đe dọa toàn cầu được thảo luận tại hội nghị vì đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến các quốc gia ở Nam bán cầu.
Bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập và Chủ tịch của Sáng kiến Kubernein, một công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ, phát biểu: "An ninh không còn mang ý nghĩa giống như trước đây là chỉ về quốc phòng và quân sự nữa. Nó còn là về nước, thực phẩm, sức khỏe con người và tất cả những thứ đó đều có mối liên hệ với nhau”.
Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn cho rằng các vấn đề bảo vệ quyền con người chưa được lồng ghép đầy đủ vào các cuộc tranh luận thực tế và hội nghị vẫn bị các tổ hợp công nghiệp - quân sự chi phối.