Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58), sáng 9/7. Ảnh: TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58), Bộ trưởng Mohamad cho rằng, thỏa thuận nâng cấp này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi ASEAN tìm cách củng cố hợp tác kinh tế và khả năng phục hồi trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu ngày càng bất ổn. Theo ông, ASEAN và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong 4 năm liên tiếp, với tổng kim ngạch thương mại đạt 770,94 tỷ USD vào năm 2024, tăng 10,61% so với năm 2023. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng đặt ra mối đe dọa đối với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.
ACFTA, được ký thông qua năm 2010, là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm thị trường với hơn 2 tỷ người. Mục tiêu của hiệp định này là xóa bỏ thuế quan và rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thúc đẩy dòng đầu tư và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trên toàn khu vực.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết thêm mối quan hệ Đối thoại ASEAN-Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất và năng động nhất của ASEAN. Đây là mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế. Dựa trên những nguyện vọng và chuẩn mực chung, ASEAN và Trung Quốc đã và đang tiếp tục đảm bảo khu vực Đông Nam Á duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Đề cập đến tình hình Biển Đông, với cương vị là nước Chủ tịch ASEAN 2025, ASEAN kêu gọi tất cả các bên quản lý tình hình ở Biển Đông một cách khôn ngoan và thận trọng. ASEAN hoan nghênh những tiến triển trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và hy vọng sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực này, đồng thời bày tỏ hy vọng với sự cam kết toàn diện của tất cả các bên trong các cuộc đàm phán, ASEAN có thể hoàn tất một COC hiệu quả và thực chất trong tương lai không xa.
Hơn nữa, trước sự gia tăng đáng lo ngại của thái độ hoài nghi đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và những lời lẽ khoa trương về vũ khí hạt nhân, ASEAN hoan nghênh Trung Quốc sẵn sàng trở thành quốc gia thành viên đầu tiên ký kết và phê chuẩn Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Điều này sẽ đánh dấu một bước tiến đáng kể, thể hiện vai trò lãnh đạo và cam kết của Trung Quốc đối với một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Là Điều phối viên quốc gia về Quan hệ Đối thoại ASEAN-Trung Quốc, Malaysia cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác này, mang lại lợi ích thực sự cho người dân.