Với tựa đề "Các chu trình carbon bền vững", đây là những đề xuất do EC xây dựng nhằm khuyến khích các hoạt động canh tác góp phần thu CO2 từ khí quyển và lưu giữ trong đất hoặc sinh khối một cách bền vững. Những hoạt động này có thể gồm trồng hàng rào cây, trồng cây họ đậu, trồng xen canh, cây che phủ, nông nghiệp bảo tồn, duy trì các vùng đất than bùn. Trong lâm nghiệp là trồng rừng hoặc tái sinh rừng.
Kết luận nêu rõ kỳ vọng của Hội đồng châu Âu về khung chứng nhận việc loại bỏ CO2. Đây sẽ là chủ đề của một đề xuất lập pháp vào cuối năm nay nhằm phát huy giá trị kinh tế của các hoạt động tăng cường thu giữ carbon, dựa trên các yêu cầu đo lường đã được xác nhận một cách khoa học.
Hội đồng châu Âu hoan nghênh việc trao đổi thông tin và công nhận vai trò then chốt của các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ carbon từ khí quyển. Các bộ trưởng cho rằng bên cạnh chính sách nông nghiệp chung, cần cung cấp hỗ trợ tài chính từ nguồn lực công và tư, nhằm khuyến khích những người làm nông nghiệp và lâm nghiệp áp dụng các hoạt động thân thiện với khí hậu.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng ủng hộ kế hoạch của EC thành lập một nhóm chuyên gia gồm đại diện của các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp để đánh giá các hệ thống chứng nhận carbon hiện có và chia sẻ các ví dụ về thực hành tốt từ khắp nơi trong EU và đã mời EC cùng nhóm này xem xét khả năng mở rộng chứng nhận về giảm khí thải nhà kính, đặc biệt là khí metadone và ôxít nitơ.
Các nước thành viên cũng nhấn mạnh mục đích chính của nông nghiệp EU, như đã nêu trong các hiệp ước, là đảm bảo an ninh lương thực và mục tiêu này không được xâm phạm, cũng như tầm quan trọng của việc tính đến các đặc thù của khu vực và tránh gánh nặng hành chính không cần thiết khi thiết lập khung chứng nhận một cách đơn giản và minh bạch.
Là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, một trong những mục tiêu được đặt ra theo luật khí hậu của EU là giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, nhằm đạt được sự trung hòa CO2 ở cấp độ EU vào năm 2050. Loại bỏ CO2, tức là thu CO2 từ khí quyển và việc lưu giữ nó bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như qua cây cối và thực vật, cũng như bảo vệ đất giàu carbon, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu trung hòa CO2.
Đề xuất của EC về chu trình carbon bền vững, được thông qua vào ngày 15/12/2021 như một phần của gói "Điều chỉnh cho mục tiêu 55", nhằm góp phần đưa ra các giải pháp bền vững để hấp thụ carbon. Đây cũng là bước đầu tiên hướng tới khung chứng nhận hấp thụ carbon.