Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine tại thủ đô Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN |
Học thuyết quân sự mới là văn kiện quy định các nguyên tắc và con đường ngăn chặn các xung đột quân sự hiện nay, chuẩn bị cho đất nước đối đầu với nguy cơ xung đột quân sự, sử dụng quân đội để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích sống còn khác.
Theo đó, chi phí cho quốc phòng của Ukraine được quy định ở mức dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2014 khi xảy ra đảo chính lật đổ chính quyền, chi phí quân sự của Ukraine chiếm 3,4% GDP, tăng mạnh so với năm trước đó. Ngân sách 2015 dự trù 2,7% GDP cho Bộ Quốc phòng. Còn sang năm 2016, Thủ tướng Arseny Yasenyuk cho biết Chính phủ dự định sẽ chi cho quốc phòng 5% GDP.
Học thuyết cho rằng nguồn gốc "đe dọa quân sự thực tế" đối với Ukraine là Nga, khi Kiev cùng với NATO luôn cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine, bất chấp những phản đối chính thức của Moskva. Một nguy cơ khác là hoạt động của các tổ chức vũ trang bất hợp pháp tại lãnh thổ Ukraine, nhằm làm mất ổn định tình hình chính trị-xã hội trong nước, hù dọa người dân, phá vỡ hoạt động của các cơ quan chính quyền, cơ sở công nghiệp và hạ tầng.
Động thái Tổng thống Ukraine phê chuẩn học thuyết quân sự mới từ bỏ đường lối phi liên minh quân sự và khôi phục lại con đường gia nhập NATO diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Kiev hồi đầu tuần, được đánh giá như một hành động biểu tượng cho nỗ lực của Kiev hướng sang phương Tây.