Hoàng gia cũng phải “thắt lưng buộc bụng”

Các kiểm toán viên của Ủy ban Quốc hội Anh vừa công bố những dữ liệu đáng ngạc nhiên: Kho bạc của Nữ hoàng Elizabeth II đã bất ngờ xuất hiện thâm thủng lớn.

 

Trong năm 2013, Nữ hoàng nhận được 31 triệu bảng Anh từ ngân sách nhà nước, song hiện quỹ dự trữ của kho bạc này đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 1 triệu bảng. Bởi vậy, Hoàng gia Anh đang phải từ bỏ thói quen tiêu xài hoang phí, vốn là chuyện bình thường dưới các chế độ quân chủ.

 

Hoàng gia Anh đang phải từ bỏ thói quen tiêu xài hoang phí.


Để cứu hoàng gia khỏi sự phá sản, Bộ Tài chính Anh đang đảm nhận nhiệm vụ kiểm toán các tài khoản của hoàng gia, trong đó không chỉ là các tài sản riêng của Nữ hoàng mà còn là những khoản tiền cho các nhu cầu hàng ngày được cấp từ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, theo ý kiến của Tổng Biên tập tờ “Tập san bất động sản” Mikhail Morozov, nhiệm vụ tiết kiệm khó có thể được thực hiện vì các cung điện và lâu đài của nữ hoàng hiện đều cũ nát và không có cách quản lý hiệu quả.


“Hoàng gia chưa sử dụng hiệu quả bất động sản mà họ sở hữu. Ngoài ra, chi phí bảo trì các tòa nhà này là quá cao. Ở tất cả các lâu đài thuộc sở hữu của Nữ hoàng đều có rất nhiều người phục vụ. Dù bà chỉ đến đó một lần trong năm nhưng tất cả các cung điện phải luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Nữ hoàng Elizabeth II vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bất động sản này không mang lại lợi nhuận vì không được sử dụng, ví dụ, không thể chuyển thành khách sạn sang trọng. Hầu hết các lâu đài bị đóng cửa, khách du lịch không được tham quan. Có lẽ, sẽ thú vị hơn nếu bất động sản này được sử dụng hiệu quả và bổ sung cho kho bạc của Nữ hoàng Anh, vốn hiện như gần trống rỗng”, ông Morozov nói.


Công tác cấp dưỡng cho Nữ hoàng Anh hiện là đắt đỏ nhất trong số các hoàng gia châu Âu, với tổng cộng khoảng 45 triệu euro mỗi năm. Ví dụ, công dân Na Uy chỉ cấp 25 triệu euro cho nhà vua của họ. Về mặt chính thức, chi phí cấp dưỡng cho hoàng gia Tây Ban Nha là rẻ nhất, với 8 triệu euro. Tuy nhiên, nhà vua không trả tiền cho việc bảo trì các cung điện và cho canh gác bảo vệ, không thanh toán các hóa đơn tiện ích. Do đó, ngân sách chi tiêu thực tế là cao hơn 20 triệu euro. Trong khi đó, mức phụ cấp của Vua Tây Ban Nha là cao gấp 23 lần so với mức lương thấp nhất trong nước. Điều đó khiến công dân Tây Ban Nha băn khoăn.


Nhưng các chuyên gia cho rằng, sẽ không đúng nếu cáo buộc các quốc vương lãng phí quá mức. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của các bậc vương giả là không được để mất thể diện, không để ai thấy túi họ bị rỗng. Do đó, họ chi hàng triệu USD cho các chuyến bay trên máy bay phản lực tư nhân, cho các khách sạn và xe ô tô sang trọng. Và công dân của nước đó phải trả tiền để đảm bảo cho uy tín của Quốc vương nước họ.


Chuyên viên Vladislav Belov từ Viện châu Âu cho biết: “Theo quy định, trong ngân sách nhà nước có những khoản chi đảm bảo phân bổ kinh phí cần thiết để duy trì bất động sản, các cung điện và lâu đài, để bậc vương giả có thể uống rượu, ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch... Tuy nhiên, các khoản chi này có giới hạn nhất định. Khoản chi lớn nhất không phải là các khoản tiền được cấp cho quốc vương, mà là cho việc bảo trì bất động sản, cơ sở hạ tầng và các xe ô tô. Và dịch vụ này là rất tốn kém”.


Người châu Âu có cảm tình với các vị vua chúa vốn không còn nhiều vào thời đại hiện nay. Tuy nhiên, mối thiện cảm này chỉ duy trì cho đến khi vấn đề chi phí cấp dưỡng cho các hoàng gia được nói đến. Và nếu trước đây người ta chỉ im lặng một cách lịch sự khi nói về chi tiêu của hoàng gia thì bây giờ, ngày càng nhiều người kêu gọi các vị vua và hoàng hậu phải sống khiêm tốn và biết tính toán chi tiêu hơn.


KTTG


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN