Hoa Thanh Cung, có tên gọi ban đầu là Thang Tuyền Cung, nằm cạnh chân núi Ly Sơn, phía bắc là sông Vị Thủy, cách thành phố Tây An khoảng 30 km. Đây là thắng cảnh du lịch cấp 5A, là khu bảo tồn văn hóa, văn vật trọng điểm của Trung Quốc.
Hoa Thanh Cung vốn là cung điện ngoài thành trong suốt các triều đại Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường. Nơi đây đạt độ cực thịnh vào thời Đường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Đường Minh Hoàng, 685-762) khi ông cho xây dựng một quần thể cung điện, lầu son, gác tía rất tráng lệ, đổi tên thành Hoa Thanh Cung (còn gọi là Hoa Thanh Trì) để chiều lòng và thường xuyên đến vui vầy với Dương Quý Phi (tên thật là Dương Ngọc Hoàn) – một trong tứ đại mỹ nhân có vẻ đẹp “hoa nhường” của Trung Quốc, được ông hết mực sủng ái.
Sau khi xảy ra loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (755-762), tình hình triều chính có nhiều thay đổi, vị thế của Hoa Thanh Cung nhanh chóng sa sút. Sau thời Đường, các đời hoàng đế tiếp theo rất ít khi đến nghỉ dưỡng ở Hoa Thanh Cung.
Mặc dù các vương triều sau này đều từng tiến hành duy tu, nhưng đến trước khi nước Trung Hoa mới ra đời, Hoa Thanh Cung đã trở nên tương đối tiêu điều. Từ năm 1959, Hoa Thanh Cung được chính quyền địa phương tiến hành trùng tu, cải tạo, mở mang xây dựng với quy mô lớn.
Tại Hoa Thanh Cung hiện nay có nhiều thắng cảnh, di tích hấp dẫn như bảo tàng di chỉ bể tắm hoàng gia thời Đường, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là hai bể tắm của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, bảo tàng di chỉ vườn lê thời Đường, Ngũ gian sảnh, hồ Cửu Long và hồ Hoa Sen.
Bên cạnh đó, tại Hoa Thanh Cung còn có quần thể kiến trúc mang tính biểu tượng như điện Phi Sương, điện Vạn Thọ, điện Trường Sinh, điện Vũ Vương. Ngoài ra, trên ngọn Ly Sơn nằm ở độ cao 1302m so với mực nước biển, thuộc khuôn viên Hoa Thanh Cung, cũng có nhiều di tích nổi tiếng như điện Lão Quân, Phong Hỏa Đài, Binh Gián đình, chùa Thạch Ông, cầu Ngộ Tiên.
Hoa Thanh Cung nổi danh tại Trung Quốc cũng như trên thế giới bởi nơi đây đã xảy ra nhiều câu chuyện lịch sử nổi tiếng. Thứ nhất là chuyện Chu U Vương nổi lửa trêu chư hầu, mất thiên hạ vì nụ cười Bao Tự.
Vào thời Tây Chu (khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên), Chu U Vương mê đắm nàng Bao Tự, một đại mỹ nhân thời cổ nhưng nét mặt lúc nào cũng âu sầu, ủ rũ vì nhớ nhà. Chu U Vương nghĩ ra kế khi yên ổn bỗng lệnh cho quân canh nổi lửa tại Phong Hỏa Đài trên ngọn Ly Sơn - dấu hiệu báo nhà Tây Chu bị xâm lăng, để chư hầu đem binh tiếp cứu.
Bao Tự thấy nét mặt thất vọng của quân chư hầu khi đến ứng cứu biết bị gạt, quả nhiên cười lớn. Chu U Vương thấy thế rất đỗi vui mừng, sau đó còn nhiều lần làm như vậy để đổi lấy nụ cười giai nhân.
Kết cục Chu U Vương chết thảm khi bị rợ Khuyển Nhung tấn công, cho đốt lửa tại Phong Hỏa Đài nhưng không chư hầu nào tới cứu. Đây là một trong nhiều minh chứng cho bậc tuyệt sắc có thể làm nghiêng thành đổ nước trong lịch sử Trung Quốc.
Thứ hai là Biến cố Tây An. Thời điểm năm 1935, quân Nhật Bản đã chiếm gần hết miền Hoa Bắc, Trương Học Lương được Tưởng Giới Thạch phái lên đóng ở Tây An để bao vây Hồng quân (quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Tuy nhiên Trương Học Lương lại chủ trương thuyết phục Tưởng Giới Thạch đoàn kết với Hồng quân chống Nhật. Ngày 7/12/1936, Tưởng Giới Thạch bay đến Tây An, ở tại Hoa Thanh Cung, nhằm huấn thị quân đội đóng tại Tây An.
Sau 3 ngày thuyết phục Tưởng Giới Thạch thay đổi chính sách nhưng không đạt kết quả, rạng sáng 12/12, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phát động binh biến nhằm đạt mục đích nêu trên. Tưởng Giới Thạch sau đó bị giam trên núi Ly Sơn 14 ngày, thậm chí tính mạng bị đe dọa.
Ngày 25/12, dưới sự chủ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chu Ân Lai, Tưởng Giới Thạch chấp thuận chủ trương “chấm dứt nội chiến, đoàn kết chống Nhật”, Biến cố Tây An (còn gọi là Biến cố 12/12) được giải quyết trong hòa bình.
Điều này tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật, trở thành bước ngoặt chuyển từ nội chiến sang cuộc kháng chiến chống Nhật của dân tộc Trung Hoa.
Thứ ba, ấn tượng, đặc biệt hơn là Hoa Thanh Cung gắn liền với mối tình đầy lãng mạn, nhưng cũng rất đỗi bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Ngọc Hoàn. Dương Ngọc Hoàn vốn là con dâu của Đường Minh Hoàng, tức vợ của hoàng tử thứ 18 là Thọ Vương Lý Mão. Khi Võ Huệ Phi - mẹ Lý Mão, đồng thời là sủng phi của Đường Minh Hoàng qua đời, ông vô cùng buồn bã.
Hoạn quan Cao Lực Sĩ, một cận thần của Đường Minh Hoàng đưa Dương Ngọc Hoàn vào đài Tập Linh trong cung Hoa Thanh với cớ để con dâu xuất gia làm đạo sĩ chịu tang mẹ chồng. Việc này được xem như thay đổi đời người, không còn là vợ của hoàng tử Lý Mão nữa.
Đường Minh Hoàng nhanh chóng bị mê hoặc bởi nhan sắc tuyệt trần của Dương Ngọc Hoàn. Sau một thời gian chịu tang, Đường Minh Hoàng đã rước bà nhập cung và chính thức sắc phong làm Quý Phi. Dương Ngọc Hoàn từ con dâu trở thành vợ của cha chồng, người hơn bà trên 30 tuổi.
Vì say mê Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng vốn tài hoa về nghệ thuật lại càng ra sức chiều chuông bà, lao vào đàn ca hưởng lạc, bỏ bê chính sự, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho anh họ Quý Phi là Thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu.
Dương Quốc Trung lộng quyền, triều chính hỗn loạn, khiến dân chúng lầm than, xã tắc lụn bại, gây cớ cho phản tướng An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi báu và người đẹp. Đường Minh Hoàng và triều thần phải bỏ kinh thành, chạy vào đất Thục (Tứ Xuyên).
Đường lánh nạn đầy gian nan, hiểm trở, đến vùng Mã Ngôi Dịch, quân binh không chịu đi tiếp, buộc tội mối họa đó do Dương Quý Phi và anh em bà gây ra. Họ nổi loạn giết Thừa tướng Dương Quốc Trung, hai em gái của Dương Quý Phi rồi ép Đường Minh Hoàng phải hạ lệnh xử tử bà.
Đường Minh Hoàng như đứt từng khúc ruột, nhưng không thể cứu nổi bà. Xung quanh cái chết của Dương Quý Phi vẫn tồn tại một số phiên bản khác nhau. Có phiên bản cho rằng Đường Minh Hoàng bất đắc dĩ ban cho Dương Quý Phi dải lụa trắng để bà tự treo cổ trên cành cây lê; có sách chép hoạn quan Cao Lực Sĩ thừa lệnh dùng dải lụa trắng siết cổ bà; một số bài thơ, văn thời Đường lại mô tả bà bị chết bởi đao kiếm binh lính nổi loạn ở Mã Ngôi Dịch; thậm chí có phiên bản cho rằng bà bị ép nuốt vàng mà chết.
Dù tồn tại dị bản, nhưng Dương Quý Phi vẫn được xác định mất ngày 15/7/756, khi mới 38 tuổi. Xác của bà khi đó được chôn vội ven đường, sau này Đường Minh Hoàng cho người tìm lại để hậu táng nhưng không thấy. Sau đó, Đường Minh Hoàng nhường ngôi cho con là Đường Túc Tông. Dẹp xong loạn An Lộc Sơn (757), ông hồi kinh (Tây An) nhưng sống âm thầm, lủi thủi cho đến khi qua đời vào năm 762.
Mối tình bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi được truyền tụng trong dân gian, trở thành đề tài cho bao áng văn thơ thời đó, cũng như các thể loại tranh, truyện, kịch, phim sau này. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Trường Hận ca”, một tuyệt tác về mối hận tình muôn thuở dưới ngòi bút tài hoa của thi hào Bạch Cư Dị.
Dựa trên tác phẩm này, Tập đoàn du lịch Thiểm Tây đã đầu tư cả trăm triệu nhân dân tệ để xây dựng vở đại vũ kịch cảnh thực đầu tiên và được coi là hoành tráng nhất tại Trung Quốc, bắt đầu được biểu diễn tại Hoa Thanh Cung từ năm 2007 trong khoảng tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.
Vở vũ kịch này lấy ngọn Ly Sơn làm bối cảnh, hồ Cửu Long làm sân khấu, dùng cung điện, đình, hành lang, mặt hồ, liễu rủ làm điểm nhấn trang trí, kết hợp với các biện pháp công nghệ cao để tạo ra khung cảnh sống động như cung đình tráng lệ, trời sao nhấp nháy, thác nước cuồn cuộn, biển lửa ngùn ngụt…
Vở vũ kịch hoành tráng dài 70 phút, chia thành 9 màn, với sự tham gia của 300 diễn viên, thông qua phong cảnh non nước, âm nhạc và vũ đạo cổ điển, lời thoại bằng thi ca, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng bằng công nghệ cao đã tái hiện sống động khung cảnh thời Đường thịnh trị và thiên tình ca bất hủ.
Theo đó, khán giả bỗng chốc có cảm giác như quay ngược thời gian, cảm thụ rõ rệt văn hóa rực rỡ thời Đường và câu chuyện của cặp tình nhân Đường-Dương trong suốt 10 năm thường xuyên sống ở Hoa Thanh Cung, đồng thời không khỏi xúc động, ấn tượng với đoạn kết của chuyện tình lịch sử được vở đại nhạc kịch tô điểm, nâng lên thành huyền thoại về tình yêu bất diệt.