Danh sách của các nhân vật bị tình nghi sử dụng các công ty vỏ bọc hải ngoại (offshore company) ngày một dài hơn. Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cùng với người thân trong gia đình được cho là có tên trong danh sách đen này. Danh tính của nhiều chính trị gia đối lập cùng nhiều tài phiệt kinh doanh cũng đang dần lộ diện. Chính quyền các nước đang nổi đã phải bắt tay xem xét, điều tra vụ việc.
Cuối tuần qua, Văn phòng Chống rửa tiền Thái Lan cho biết đã xác định được tên tuổi của 16 người có tên trong Hồ sơ Panama. Cơ quan này hiện đang hợp tác với chính quyền Panama. Đa phần người trong số này chưa được công bố công khai, bởi việc lập công ty vỏ bọc hải ngoại không phải là bất hợp pháp. Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan đã nêu ra một quan chức là Giám đốc một ngân hàng của nước này.
Nhiều nước đang phát triển đang phải đối mặt với thách thức từ vụ rò rỉ thông tin Hồ sơ Panama. Ảnh: ICIJ |
Những người bị lộ hiện cố tìm cách bào chữa cho mình. Tại Argentina, chính quyền đang điều tra ông Macri, người trước đây là doanh nhân và từng tham gia điều hành một tập đoàn lớn, với nghi ngờ ông có hành vi trốn thuế thông qua việc giấu tiền ở công ty vỏ bọc có trụ sở đăng ký tại Bahamas và Panama. Tổng thống Argentina tuyên bố, ông hành động theo pháp luật và không có gì phải che giấu.
Pakistan cũng là “điểm nóng” khác. Hồ sơ Panama nêu tên 200 người nước này, trong đó có cả Thủ tướng và các thành viên trong gia đình. Theo thông tin được tiết lộ, ông Sharif và những người con trai đã thành lập ít nhất 4 công ty vỏ bọc đặt tại Virgin Islands thuộc vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Thông qua vỏ bọc này, gia đình Thủ tướng đã đứng tên nhiều bất động sản ở London. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervaiz Rashid nói rằng, Thủ tướng không có bất kì bất động sản nào ở nước ngoài và các con trai ông đều thành lập các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ. Cá nhân ông Sharif thì tuyên bố ông sẽ thành lập một đơn vị điều tra.
Hồ sơ Panama cũng tiết lộ về sự dính líu của gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Theo đó, hai luật sư Azerbaijan đã từng gợi ý (thông qua thư điện tử) với công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama, rằng các con của ông Aliyev có thể là đối tượng hưởng thụ của một quỹ do một tập đoàn lớn thành lập. Quỹ này có cổ phần chi phối tại tập đoàn thông qua các công ty của Anh và Panama. Thư từ trao đổi cũng cho thấy con gái ông Aliyev cùng với nhiều người khác đã thu được vén lợi ích từ một mỏ vàng - dự án mà chính phủ Azerbaijan thông qua năm 2006, thông qua một công ty của Panama.
Malaysia cũng là cái tên mới được nhắc tới. Nazifuddin Najib, con trai Thủ tướng Razak Najib, được cho là đã sử dụng 2 công ty hải ngoại ở Virgin Islands. Thông tin về vụ việc này không nhiều, do thông tin được kiểm soát chặt. Truyền thông Malaysia chỉ nói ngắn gọn là ông Najib phủ nhận có hành động sai phạm. Ngược lại, tại Indonesia, báo chí bắt đầu đăng tải những câu chuyện về 800 người Indonesia có tên trong Hồ sơ Panama. Danh sách đen này có quan chức của các công ty, nhưng không có chính trị gia tên tuổi nào. Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia có kế hoạch mở cuộc điều tra về vụ việc này.
Còn tại Ấn Độ, 500 cái tên cũng đã lộ diện. Trong số này có cả các diễn viên nổi tiếng, những người bất ngờ nhận ra rằng họ đang là tâm điểm của một cuộc bàn thảo nóng bỏng. Chính quyền nước này cho biết sẽ xem xét vụ việc, nhưng các chính trị gia đối lập đòi Thủ tướng Narendra Modi phải mở cuộc điều tra rõ ràng, vì nhiều vận động viên cricket bị “điểm danh” được cho là có quan hệ gần gũi với các quan chức thuộc đảng cầm quyền. Ở Brazil, Hồ sơ Panama nêu tên của các chính trị gia đến từ 7 đảng phái, trong đó có cả đảng Phong trào Dân chủ mới rút lui khỏi liên minh cầm quyền hồi cuối tháng 3 vừa qua.