Vụ "Hồ sơ Panama": Ai mới là nạn nhân thực sự?

Theo tờ Newsweek số ra ngày 6/4, một số tờ báo đã gọi Thủ tướng Iceland Sigmunder Gunlaugsson vừa thông báo sẽ từ chức là "nạn nhân đầu tiên của vụ rò rỉ Hồ sơ Panama". Tuy nhiên, các chuyên gia và nhiều tổ chức từ thiện lại đưa ra cảnh báo trò "trốn thuế" và "tránh thuế" không chỉ liên quan tới giới nhà giàu.

Ông John Christensen, giám đốc và là nhà đồng sáng lập Mạng lưới Công lý Thuế (TJN) có trụ sở tại Anh nói với tờ Newsweek: "Đó là vi phạm nhân quyền. Các nạn nhân là những người bình thường như tôi và bạn. Nguyên tắc đơn giản là nếu người giàu và người quyền lực đóng thuế ít đi thì những người còn lại là chúng ta phải đóng nhiều hơn. Và có bằng chứng về việc này, hãy nhìn những gì xảy ra ở Anh. Người giàu thì ngày một giàu hơn và người nghèo thì ngày càng nghèo đi, chúng ta đang thấy thuế giá trị gia tăng ngày càng cao, trong khi những dịch vụ công cần thiết bị cắt giảm".

Nạn nhân của nạn trốn thuế chính là người nghèo.

Nỗ lực toàn cầu nhằm giúp những quốc gia đang phát triển (như Nigeria và Malawi) cũng bị tổn hại nghiêm trọng do nạn trốn thuế. Điều này xảy ra bởi những kẻ trốn thuế thường gửi tiền qua các nước mà họ biết rằng có những hiệp định thuế không công bằng và thường là những nước nghèo nhất. Số tiền bị “chảy máu” này lớn hơn nhiều lần tiền viện trợ nước ngoài mà các nước nghèo nhận được.

Người trốn thuế thường dùng một công ty hoạt động ở một nước đang phát triển và lập một chi nhánh cho công ty của họ ở một thiên đường thuế. Sau đó, họ bán sản phẩm của mình với giá thấp cho chi nhánh này và nhờ đó chỉ phải chịu mức thuế thấp tối thiểu ở thiên đường thuế. Cuối cùng, chi nhánh của họ ở thiên đường thuế bán sản phẩm ra với giá thị trường và được hưởng lời lãi khổng lồ cộng với mức thuế cực thấp hoặc bằng 0.

Nói một cách khác, các công ty thao túng giá để tránh phải đóng thuế và kết quả là những quốc gia có hệ thống thuế không công bằng càng rơi sâu hơn vào nghèo đói bởi họ không đủ khả năng "nuôi" nền kinh tế của mình. Trong trường hợp châu Phi, nạn thao túng giá ước tính chiếm 60% lượng di chuyển vốn của một quốc gia, gây ra tình trạng "chảy máu" ồ ạt.

Malawi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, khi một nửa trong số 16 triệu dân của nước này sống trong nghèo đói. Nguồn thu từ thuế được dùng để chi cho các dịch vụ công ở Malawi và các nước nghèo khác đang biến mất với tỉ lệ đáng báo động. Ước tính có tới 30% giá trị tài chính của toàn châu Phi đang được cất giữ tại các thiên đường thuế ngoài châu lục, gây thất thoát cho nguồn thu từ thuế khoảng 14 tỉ USD/năm. Số tiền này đủ để cung cấp dịch vụ y tế cho các bà mẹ và trẻ em, nhờ đó có thể cứu được 4 triệu sinh mạng trẻ em mỗi năm, cũng như đủ để tuyển dụng giáo viên giúp các trẻ em ở châu Phi đều được đi học.

Raymond Baker, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Hội nhập Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã gọi sự trao đổi tiền qua biên giới là "chương tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu kể từ thời kỳ nô lệ". Phát biểu tại một hội thảo ở Washington năm 2015, ông Raymond Baker nói: "Nigeria có lẽ là đất nước có dòng tiền bất hợp pháp tính trên giá trị tổng sản phẩm nội địa cao nhất thế giới". Theo ông, tại quốc gia nhiều dầu với 140 triệu dân này, có 70% dân số - tương đương 100 triệu người - có mức thu nhập từ 1 - 2 USD/ngày.

Nói tóm lại, với mỗi một công ty lớn không trả thuế tương xứng thì cũng có một cơ số y tá và giáo viên mất cơ hội được tuyển dụng, những con đường không được sửa chữa, những trường học không được xây dựng và những bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế. Thực tế này đúng với cả các nước giàu có. Bản chất toàn cầu của chiêu trò trốn thuế còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả các nước đang phát triển, nơi những đồng tiền thuế thất thu lẽ ra đã có thể được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường sá, y tế và giáo dục để cho phép những nước này một ngày nào đó có thể tự chủ được và không còn phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.
TTK
Tổng thống Nga bác cáo buộc trong vụ "Hồ sơ Panama"
Tổng thống Nga bác cáo buộc trong vụ "Hồ sơ Panama"

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không có bất kỳ yếu tố tham nhũng nào khi đề cập tới vụ "Hồ sơ Panama".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN