Cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ gây nguy hại cho các công ty, người lao động Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (USNAM) ngày 17/3 đã hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng một cách tiếp cận mới.
Trong bức thư gửi Nhà Trắng cùng ngày, USNAM khẳng định, chiến lược mới của Mỹ phải bao gồm tất cả những công cụ hiện có, trong đó có can dự song phương có chọn lọc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các thiết chế toàn cầu, can dự mật thiết và chặt chẽ với đồng minh và đối tác.
Sử dụng các công cụ pháp lý chiến lược gắn với giám sát thực thi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong gây sức ép, buộc Trung Quốc thay đổi hành xử kinh tế, tạo môi trường bình đẳng - USNAM, đầu mối đại diện cho hơn 14.000 công ty trong mọi ngành sản xuất tại Mỹ, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, chính USNAM cũng thừa nhận, bất kỳ chiến lược mới nào cũng phải chấp nhận quan điểm Trung Quốc là “một đối tác cần thiết” trong thế giới hậu đại dịch COVID-19, ngay cả khi Bắc Kinh thách thức lợi ích của Mỹ, cạnh tranh gay gắt với Mỹ trên lĩnh vực kinh tế.
Động thái trên của USNAM diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp Mỹ-Trung theo thể thức 2+2. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ thảo luận với hai đồng cấp người Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Anchorage, Alaska vào ngày 18/3. Đây là phiên tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ thời điểm ông Joe Biden lên nắm quyền.