Hiện thực hóa tầm nhìn chung 

Việc Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chọn nước láng giềng Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 11 năm ngoái một lần nữa cho thấy mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á, cũng như một lần nữa khẳng định nhu cầu củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong nỗ lực giải quyết những vấn đề khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (trái) tại cuộc gặp ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 9/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trọng tâm chuyến công du hai ngày của Thủ tướng Anwar là cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo. Trong cuộc gặp kéo dài hơn 90 phút, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề hợp tác kinh tế song phương cũng như an ninh khu vực mà hai quốc gia có phần đông dân số là người Hồi giáo này đang phải đối mặt. Cụ thể, phát biểu họp báo sau đó, Thủ tướng Anwar khẳng định Kuala Lumpur ủng hộ các khoản đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia ở Đông Kalimantan bởi những dự án này sẽ thúc đẩy tăng trưởng các bang Sabah và Sarawak của Malaysia.

Ít nhất 10 doanh nghiệp hàng đầu của Malaysia đã cam kết đầu tư vào thủ đô mới Nusantara của Indonesia. Tổng giá trị đầu tư tiềm tàng của doanh nghiệp Malaysia tại đây là khoảng 1,66 tỷ ringgit (379 triệu USD). Hai nhà lãnh đạo sau đó cũng chứng kiến lễ ký kết các bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong những lĩnh vực vận tải biển, tài trợ xuất nhập khẩu, năng lượng xanh, phát triển ngành công nghiệp pin và nhiều lĩnh vực khác mà hai bên hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm các trao đổi thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Theo hãng tin Bernama, trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Malaysia và Indonesia ước đạt ít nhất 120,26 tỷ ringgit, tăng 41,7% so với năm trước.Tổng thống Joko khẳng định Jakarta hoan nghênh sự tham gia của các doanh nghiệp Malaysia vào dự án xây dựng thủ đô quốc gia Nusantara, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, điện tử và năng lượng.

Đáng chú ý, Thủ tướng Anwar đã nhắc lại cam kết bảo vệ lao động nhập cư Indonesia tại Malaysia, cũng như thỏa thuận của hai bên về việc thúc đẩy để sớm ký kết MoU về phân định biên giới trên bộ và trên biển. Đây vốn là những vấn đề còn tồn đọng kéo dài giữa hai nước. Ngoài ra, phía Malaysia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với vùng thông tin bay (FIR) Indonesia-Singapore và thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương thông qua Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ nhằm mở rộng thị trường và chống phân biệt đối xử đối với mặt hàng này. Hiện Malaysia và Indonesia là các nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Về quan hệ khu vực, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn gia tăng. Năm nay, Indonesia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia trong ASEAN.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, chuyến thăm Jakarta lần này của Thủ tướng Anwar là cơ hội lớn để nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba của ASEAN thúc đẩy hợp tác, đạt được bước tiến trong giải quyết những tồn tại trong quan hệ song phương, mang lại lợi ích ổn định, phát triển cho toàn khu vực cũng như củng cố vai trò trung tâm của toàn thể Đông Nam Á. 

Chuyên gia Tenku Rezasyah, giảng viên về quan hệ quốc tế Đại học Padjadjaran ở Bandung, nhận định việc Malaysia bày tỏ quan tâm đến dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia đã đánh dấu tiến triển đáng hoan nghênh trong quan hệ giữa hai nước. Theo ông, quan hệ giữa Jakarta và Kuala Lumpur dưới thời chính quyền Thủ tướng Anwar dự kiến sẽ gắn bó chặt chẽ hơn trong thời gian tới, do mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân nhà lãnh đạo Malaysia với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Indonesia.

Trong khi đó, ông Azmi Hassan, nghiên cứu viên cấp cao Viện nghiên cứu Chiến lược Nusantara khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Anwar đến Indonesia có ý nghĩa “đặc biệt”, đồng thời cho rằng Jakarta và Kuala Lumpur có thể đóng vai trò quan trọng trong thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nổi cộm của khu vực và thế giới liên quan đến Hồi giáo. Ông Riza Noer Arfani, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Gadjah Mada (UGM) của Indonesia, nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Anwar là cơ hội vàng đối với Indonesia - quốc gia mà Jakarta coi là đồng minh chiến lược.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia sẽ không chỉ có lợi cho mỗi nước mà còn đóng vai trò là động lực mạnh mẽ cho toàn khu vực, đặc biệt khi Indonesia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2023 với quyết tâm tiếp tục khuyến khích ASEAN trở thành một khu vực ổn định và hòa bình để đóng vai trò mỏ neo ổn định kinh tế toàn cầu.  Và rõ ràng để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và ổn định sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước duyên hải trong khu vực.

Phan Lương (TTXVN)
Lãnh đạo Indonesia và Malaysia nhất trí tăng cường vai trò của ASEAN
Lãnh đạo Indonesia và Malaysia nhất trí tăng cường vai trò của ASEAN

Indonesia và Malaysia đã nhất trí tăng cường vai trò của ASEAN trên trường quốc tế, bao gồm vai trò của ASEAN trong việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN