Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học mới, một mối đe dọa khác bắt đầu tấn công lớp băng này: dòng hải lưu ấm di chuyển phía dưới lớp băng làm bề mặt tan chảy nhanh hơn.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience vào ngày 3/2 sau khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu một trong các “lưỡi băng” – Nioghalvfjerdsfjorden ở phía Đông Bắc Greenland.
Kết quả nghiên cứu tiết lộ một dòng hải lưu ấm phía dưới lớp băng rộng hơn 1,6 km chảy từ Đại Tây Dương có khả năng chảy thẳng về phía lưỡi băng Nioghalvfjerdsfjorden, đưa nhiệt tiếp xúc với băng và khiến băng tan chảy nhanh hơn.
“Lý do khiến băng tan chảy nhanh giờ đã rõ ràng”, ông Janin Schaffer – nhà hải dương học đang làm việc cho Viện Alfred Wegener (Đức) dẫn đầu đội nghiên cứu – khẳng định.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra một dòng chảy tương tự hướng về một tảng băng khác tại Greenland – nơi một lưỡi băng lớn gần cũng tự động nứt ra và trôi ra biển.
Hiện băng tan tại Greenland là tác nhân gây ảnh hưởng nhất đến hiện tượng mực nước biển tăng cao toàn cầu. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature tháng 12/2019, băng tại Greenland tan nhanh gấp 7 lần so với năm 1992.
Mùa hè năm ngoái, do nhiệt độ tại Bắc Cực tăng cao kỷ lục, Greenland đã mất 11 tỷ tấn băng chỉ trong một ngày. Lượng nước tan chảy tương đương với 4,4 triệu hồ bơi đạt tiêu chuẩn Olympic. Chỉ tính riêng trong tháng Bảy, Greenland mất 197 tỷ tấn băng, tương đương với 80 triệu bể bơi đạt chuẩn Olympic.
Nhiệt độ nước cũng phá vỡ kỷ lục vào năm 2019. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Atherheric Science cho biết nhiệt độ đại dương năm ngoái cao hơn 0,075 độ C so với mức trung bình trong khoảng 1981-2010.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết nhiệt lượng mà các đại dương trên thế giới hấp thụ ngày nay tương đương với nhiệt lượng thả khoảng năm quả bom nguyên tử/giây xuống đại dương trong suốt 25 năm.