Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi với Quốc hội rằng cơ quan này hy vọng có thể tái thành lập lãnh sự quán đặt tại thủ phủNuuk của Greenland. Động thái này được cho nằm trong chính sách nhằm tăng cường hiện diện của Mỹ tại Bắc Cực.
Theo tài liệu AP thu được, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định nước này cần chủ động để tăng cường “quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại ở vùng Bắc Cực”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng lãnh sự quán tại Greenland sẽ hỗ trợ “gặt hái mối quan hệ sâu sắc hơn với xã hội và chính quyền Greenland”.
Điều quan trọng hơn, lãnh sự quán Mỹ tại Greenland được đánh giá sẽ là “cơ sở hiệu quả để gia tăng lợi ích của Mỹ ở Greenland”.
Mỹ từng mở lãnh sự quán tại Greenland năm 1940 nhưng sau đó đóng cửa cơ sở này vào năm 1953. Thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã bày tỏ ý định mua Greenland. Ý tưởng này vấp phải nhiều chỉ trích từ chính quyền Đan Mạch và Greenland. Tổng thống Trump sau đó còn bất ngờ hủy chuyến thăm Đan Mạch.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ kế hoạch tuyển nhân viên bản địa làm việc cho lãnh sự quán từ mùa Thu năm nay. Tờ TIME (Mỹ) cho biết dự kiến có 7 nhân sự làm việc tại lãnh sự quán nước này ở Greenland từ năm 2020.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Trump “để mắt” tới Greenland bởi vị trí địa chính trị quan trọng của hòn đảo tự trị này, cùng với nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên và nhiều khoáng sản hiếm.
Không chỉ riêng Mỹ, cả Trung Quốc và Nga cũng quan tâm đến vùng Bắc Cực. Trong tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thúc đẩy chương trình củng cố hiện diện tại Bắc Cực bao gồm xây thêm cảng và mở rộng hạm đội tàu phá băng. Trung Quốc lại coi Greenland là nguồn cung cấp khoáng sản và là địa điểm tiềm năng trong vận dịch vụ chuyển hàng hóa đường biển.