Căng thẳng giữa Hezbollah và Israel đã bùng nổ trong bối cảnh một loạt các cuộc tấn công qua lại ngày càng dữ dội. Nhưng cả hai bên, cũng như các đồng minh của họ đều không thực sự muốn đi đến một cuộc chiến tranh toàn diện, vì điều đó sẽ chấm dứt mọi sự bình thường ở Israel, nhấn chìm hy vọng của Tehran trên mặt trận ngoại giao và kéo căng nguồn lực của Mỹ đến điểm giới hạn.
Các hãng hàng không lớn đã bắt đầu hủy và chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ Beirut và Tel Aviv vào cuối tuần trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah của Liban và Israel. Diễn biến này xảy ra sau các cuộc tấn công đường không phủ đầu quy mô lớn của khoảng 100 máy bay chiến đấu Israel nhằm vào các mục tiêu bị nghi ngờ của Hezbollah trên khắp miền nam Liban. Đáp lại lực lượng dân quân này đã phóng một loạt hàng trăm thiết bị bay không người lái và tên lửa vào sáng sớm 25/8 để trả đũa vụ ám sát chỉ huy cấp cao Hezbollah là Fuad Shukr tại Beirut vào tháng trước của Tel Aviv.
Các cuộc tấn công qua lại ở quy mô nhỏ hơn bằng UAV và tên lửa cũng được ghi nhận, khiến hàng chục chiến binh Hezbollah, binh lính và thường dân Israel thiệt mạng hoặc bị thương trong đợt leo thang xung đột mới nhất.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 25/8, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã nhắc đến việc lực lượng dân quân này nhắm mục tiêu thành công vào các địa điểm quân sự và tình báo của Israel. Ông Nasrallah giải thích phản ứng chậm trễ của Hezbollah với vụ ám sát thủ lĩnh Shukr vào ngày 30/7 là nhằm mục đích tạo thời gian cho các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza có kết quả - một cơ hội mà ông cho biết đã bị Thủ tướng Netanyahu và Washington bỏ qua.
“Mục tiêu của chúng tôi… là chấm dứt hành động xâm lược Gaza, vì vậy chúng tôi đã cho họ đủ cơ hội, nhưng sau ngần ấy thời gian, rõ ràng là ông Netanyahu đang đặt ra các điều kiện mới và người Mỹ đang hợp tác với ông ta và tất cả chỉ là lãng phí thời gian. Vì vậy không có lý do gì để trì hoãn thêm nữa”, ông Nasrallah nói.
Không bên nào muốn chiến tranh nổ ra
“Các bên trong khu vực và quốc tế gián tiếp tham gia vào cuộc chiến này như Mỹ và Iran không có ý định tham gia trực tiếp”, điều phối viên bộ phận quan hệ quốc tế của Viện Chính sách công Issam Fares thuộc Đại học Hoa Kỳ tại Beirut, Yeghia Tashjian bình luận về căng thẳng leo thang giữa Hezbollah và Israel.
Chỉ ra các yếu tố của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, cùng với những nỗ lực của Iran nhằm xích lại gần hơn về mặt ngoại giao với các nước phương Tây sau cuộc bầu cử vào tháng 7, chuyên gia Tashjian cho biết ông tin rằng các cuộc tấn công qua lại gần đây, dù nghiêm trọng đến đâu, vẫn là "các cuộc đụng độ được kiểm soát", báo hiệu rằng không bên nào "sẵn sàng chuyển tình hình hiện tại thành một cuộc chiến tranh lớn".
Tổn thất cho Israel và Mỹ
Tuy nhiên, vẫn có những lý do khác khiến Israel và Mỹ không thực sự muốn một cuộc xung đột toàn diện, theo học giả Furkan Halit Yolcu - thành viên khoa Viện Trung Đông tại Đại học Sakarya của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Yolcu, Hezbollah, không giống như Hamas, không phải là "một nhân tố phi nhà nước quy mô nhỏ", mà là một lực lượng sánh ngang những đội quân quốc gia về mặt sức mạnh lục quân, chưa kể sức mạnh tên lửa và phòng không của họ có thể gây ra tổn hại lớn cho bất kỳ đội quân nào tấn công họ.
Hezbollah có "ý chí và nguồn lực mặt đất cần thiết để có tác động rất, rất, rất lớn trên đất Israel", ông Yolcu cảnh báo, lưu ý rằng người dân Israel bình thường có thể bị dồn xuống những hầm trú bom ngầm mà chính phủ đã chuẩn bị và chứng kiến cuộc sống hàng ngày của mình bị phá vỡ hoàn toàn do khả năng của Hezbollah trong việc làm bão hòa hệ thống phòng không và tên lửa Israel.
“Sức mạnh cơ bắp, sức mạnh quân sự mà Hezbollah đe dọa Israel là kho tên lửa đạn đạo mà họ có. Hezbollah biết rằng Israel có một hệ thống phòng không nhiều lớp rất phức tạp có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm ngắn, tên lửa tầm xa. Họ có một hệ thống nhiều lớp bảo vệ trước ngay cả từ những thiết bị bay không người lái nhỏ nhất cho đến tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiên tiến có thể bay xa tới 2.000 km.
Nhưng theo ông Yolcu, "có một khái niệm gọi là 'bão hòa'", là khi có một số lượng bệ phóng nhất định trên mặt đất đang chờ để bảo vệ không phận của bạn. Giả sử Israel có một số lượng X bệ phóng đã sẵn sàng triển khai và đang hoạt động, tìm kiếm tên lửa đến từ bất cứ đâu. Nếu Israel phải đối mặt với số lượng “X + 1” tên lửa đang lao về phía mình, điều đó đảm bảo rằng ít nhất một tên lửa sẽ bắn trúng mục tiêu.
“Và xét về điều đó, tỷ lệ phòng không, tỷ lệ phòng thủ mà phòng không Israel có thể tiêu diệt mục tiêu là từ 84% hoặc 90%. Vì vậy, một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo quy mô lớn, một cuộc tấn công bằng UAV quy mô lớn hoàn toàn có thể gây tổn hại đến cuộc sống thành phố của Israel và các hoạt động hàng ngày về mặt thương mại, ngoại giao, giáo dục, du lịch, hay bất cứ điều gì ta có thể tưởng tượng", ông Yolcu giải thích thêm.
Theo nhà quan sát này, ngay cả các cuộc tấn công gần đây của Hamas vào Israel cũng đã chứng minh rằng "Israel không được bảo vệ 100%", và nếu cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự với Hezbollah, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với Tel Aviv.
Đối với Mỹ, họ cũng có những vấn đề riêng, khi việc triển khai thêm nguồn lực cho khu vực này tốn kém vô cùng. "Thật sự tốn kém khi tốn nhiều sức mạnh quân sự như vậy chỉ để bảo vệ Israel bằng mọi giá", ông Yolcu nhấn mạnh.
"Có 10.000 lính Mỹ ở Qatar, 7.000 lính ở Bahrain, 6.000 quân ở Kuwait. Vì vậy, hiện diện quân sự của Mỹ không phải là nhỏ ở Trung Đông. Lý do họ tăng cường là vì lo ngại về việc Iran tham gia vào cuộc xung đột này và xung đột giữa hai cường quốc quân sự lớn trong khu vực. Điều này gây tốn kém cho Mỹ - bởi hiện diện quân sự ở các vùng lãnh thổ khác ngoài quốc gia đòi hỏi chi phí rất lớn, bởi vì họ phải duy trì các lực lượng đó sẵn sàng; phải duy trì các cơ sở, bảo dưỡng phương tiện, bảo dưỡng máy bay, tàu thuyền”, vị học giả nhấn mạnh.